Nuôi dưỡng nhân cách bằng lòng biết ơn

Giadinh.net - Ngày 16/12, tại TP HCM, cuộc tọa đàm về chủ đề “Dạy trẻ lòng biết ơn” thu hút sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý, nhà nghiên cứu văn hóa xã hội và hơn 40 bà mẹ đại diện cho phụ huynh có con trong độ tuổi từ 6 – 12.

0

Trọng tâm của tọa đàm bàn về thực trạng ý thức và hành vi của trẻ em hiện nay trong việc học và thực hành bày tỏ lòng biết ơn.

39% học sinh chưa từng thể hiện lòng biết ơn

Ông Trần Ngọc Dũng, Công ty FTA cho biết,  nghiên cứu “Tìm hiểu cách thể hiện lòng biết ơn của trẻ với người thân và những người xung quanh” do công ty thực hiện khảo sát trên 100 bà mẹ độ tuổi từ 25 – 45 và 100 trẻ em độ tuổi từ 6 – 12 vừa công bố trong tháng 12/2009. Nghiên cứu chỉ ra rằng, hầu hết trẻ em hiện nay đều được giáo dục về ý thức biết ơn người khác; các em hiểu được ý nghĩa của lòng biết ơn và sự cần thiết phải bày tỏ lòng biết ơn (với 69% học từ cha mẹ, 100% học từ thầy cô giáo, 74% học từ chính những hành động làm gương của cha mẹ), nhưng thiếu sự hướng dẫn và cơ hội thực hành cũng như sự tự giác thực hiện những hành động phù hợp để bày tỏ lòng biết ơn (dưới 40%).

Về cách thể hiện lòng biết ơn cha mẹ và những người xung quanh, hơn 70% câu trả lời của các em tập trung vào các khía cạnh: Chỉ cần nói cảm ơn, ngoan ngoãn, vâng lời, hay học giỏi... Đồng thời, 70% học sinh đồng tình rằng nên có những hành động cụ thể để thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ như rót nước, quạt mát...
 

Đằng sau lời cảm ơn của trẻ phải là một sự nhận thức, một tấm lòng (Ảnh: Chí Cường).

“Song thực tế có tới 39% các em chưa từng thực hiện hành động này. Về mức độ tự giác khi thực hiện những hành động cụ thể, tỷ lệ chờ người lớn nhắc nhở tăng cao ở nhóm các em từ 10 – 12 tuổi (57%) hơn nhóm các em từ 6 – 10 tuổi (42%)” -  ông Dũng cho hay.

Theo ông Dũng, môi trường giáo dục ở TP HCM khá tốt so với tình hình chung cả nước nhưng nếu học sinh chỉ thể hiện lòng biết ơn bằng lời nói suông thì thật đáng lo ngại.

Không chỉ là lời nói suông

Nhà sử học Dương Trung Quốc có ý kiến: “Nhiều học sinh chỉ nói cảm ơn như một cái máy. Điều này rất đáng báo động bởi câu cảm ơn phải kèm theo một sự nhận thức, một tấm lòng...”.

Theo ông Trần Đình Thuận, Trưởng ban quản lý Chất lượng giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), cách giáo dục con cái hiện nay trong gia đình làm cho trẻ chỉ biết hưởng thụ, trẻ chỉ yêu cầu “quyền” của bản thân mà không biết “bổn phận” của mình. Trong khi đó, việc rèn nhân cách cho trẻ của nhà trường thông qua sách giáo khoa, chương trình giáo dục chưa mang lại nhiều kết quả.

“Mỗi tuần học sinh tiểu học chỉ học 1 tiết đạo đức, mà lại toàn những vấn đề to tát nên chưa mang lại lợi ích cho trẻ. Phụ huynh, giáo viên cần có sự gợi mở, định hướng cho trẻ để điều chỉnh đứa trẻ đi đúng quỹ đạo của mình”, ông Thuận nói. 

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP HCM nói: “Vai trò của phụ huynh là thực hiện các phương pháp đúng đắn để giáo dục và tạo điều kiện cho các em thực hành bày tỏ lòng biết ơn bằng những việc làm cụ thể. Lòng biết ơn là một sự trải nghiệm. Người Việt Nam vốn có lòng biết ơn trầm lặng, kín đáo nhưng rất sâu sắc”.

Cũng theo ông Điệp, giáo viên đứng lớp cần áp dụng phương pháp giáo dục thực nghiệm trong việc dạy trẻ lòng biết ơn ngay từ khi còn nhỏ, không chỉ trên lý thuyết hay dừng lại ở việc nhắc nhở, mà phải hướng dẫn, khuyến khích trẻ thực hiện bằng hành động cụ thể để thể hiện lòng biết ơn. Đồng thời, đặt ra nhu cầu cần phải có những chương trình phối hợp giữa gia đình, nhà trường, đoàn thể, tổ chức các hoạt động phù hợp với độ tuổi để trẻ có cơ hội thực hành những bài học về lòng biết ơn theo một cách sinh động và thiết thực nhất. Giúp hình thành và nuôi dưỡng nhân cách cho trẻ để trẻ phát triển toàn diện trong tương lai.
 
Ngọc Hân
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]