Nuôi dưỡng trí thông minh và tiềm năng của bé

Vì sao có những bé giỏi môn toán nhưng lại khó khăn khi chọn một từ ngữ để diễn đạt suy nghĩ? Vì sao có những bé vẽ giỏi hơn hẳn những bạn bè của mình? Lý thuyết về 8 loại hình thông minh có lẽ là lời giải thích hợp lý nhất cho các mẹ trong những trường hợp này. Nắm bắt loại hình thông minh cũng sẽ giúp mẹ định hướng và tạo động lực cho bé phát triển những năng khiếu thiên bẩm của mình

15.4633

IQ và các loại hình thông minh
Ngoài 8 loại trí thông minh, hẳn các mẹ đã được nghe về chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quotient), một chỉ số được dùng để đo khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề của con người. Những bài kiểm tra IQ thường tập trung vào khả năng ngôn ngữ, toán học, xử lý hình ảnh cũng như trí nhớ và tốc độ xử lý thông tin của mỗi người. Đây cũng là một cách để các mẹ phát hiện ra khả năng của bé. Tuy vậy, IQ không đánh giá được cảm xúc, khả năng xử lý công việc trong thực tế, óc tò mò hay sáng tạo của mỗi người. Lý thuyết về 8 loại hình thông minh chính là một sự bổ sung giúp các mẹ cảm nhận tốt hơn những khả năng của con. Hầu hết các bé không phát triển toàn diện ở tất cả các khả năng mà chỉ vượt trội ở một khía cạnh nào đó. Cụ thể, đó là trí thông minh ngôn ngữ, trí thông minh logic-toán học, trí thông minh không gian, trí thông minh về thể chất-vận động, trí thông minh âm nhạc, trí thông minh tương tác, trí thông minh nội tâm và trí thông minh tự nhiên.

Tạo động lực theo mỗi loại hình thông minh

-Trí thông minh ngôn ngữ: Được biểu hiện trong khả năng đọc, viết và nói chuyện với những người khác. Những bé vượt trội ở khả năng này bộc lộ sự nhạy cảm với từ ngữ, ngữ nghĩa và nhịp điệu câu khá rõ. Bước đầu tiên để tập trung vào khả năng này chính là giúp bé làm quen với văn chương. Kể chuyện là một cách cho phép ba mẹ hay các thầy cô hỗ trợ cho bé nắm bắt các khái niệm, chi tiết, hay các mục tiêu bằng ngôn ngữ phù hợp với trình độ của bé.

Kể chuyện là phương pháp truyền thụ kiến thức đã được dùng từ lâu đời trong các nền văn hóa khác nhau

Ngoài ra, bạn có thể khuyến khích bé đọc truyện cho cả nhà nghe, hỏi han để giúp bé chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận của mình, chỉ cho con viết nhật ký, báo tường, đọc ca dao, vè, thơ ca…

-Trí thông minh logic – toán học: Được thể hiện ở khả năng tư duy có hệ thống và khả năng về toán học. Khả năng sử dụng các con số, hiểu các mô hình và dẫn ra được các lý do là những biểu hiện quan trọng giúp mẹ phát hiện loại hình thông minh này ở bé. Để giúp con phát triển trí thông minh logic-toán học, bạn có thể cùng con thử sức cùng những bài toán vui. Tất nhiên, khả năng toán học còn có thể đo được bằng thành tích học tập môn học này tại trường. Với các bé nhỏ, khoảng trên 2 tuổi đến 4 tuổi, bạn có thể chỉ cho bé phân loại đồ vật theo hình dáng, màu sắc, kích thước, mục đích sử dụng… Ngoài ra, bạn còn có thể chỉ cho bé cách tiến hành các thí nghiệm, thử nghiệm, chơi các trò chơi suy luận.

-Trí thông minh không gian: Là khả năng tạo ra một hình ảnh của một ý tưởng, một công việc nào đó và biến nó thành sự vật trực quan. Loại hình này còn được gọi là trí thông mình không gian – thị giác. Một ví von đơn giản giúp mẹ dễ hình dung về loại hình thông minh này: Những người kỹ sư cầu đường hay họa viên kiến trúc đã phải hình dung về chiếc cầu hay ngôi nhà với đầy đủ nội thất ngay từ trước khi viên gạch đầu tiên được đặt xuống. Đi từ ví dụ trên, mẹ có thể giúp bé phát triển khả năng của mình bằng cách chơi trò vẽ tranh. Trước khi vẽ một hình thù gì, mẹ hãy để bé nhắm mắt và hình dung về hình ảnh đó trước khi đặt bút vẽ. Xa hơn, mẹ có thể giúp bé hình dung về chuỗi các công việc, hành động trước khi bắt đầu hành động. Việc đưa con ra ngoài thiên nhiên, chỉ cho bé kích thước, màu sắc, hình dáng, khoảng cách giữa các loài cây cỏ, cảnh quan… cũng là một cách để nuôi dưỡng trí thông minh về không gian.

-Trí thông minh âm nhạc: Là khả năng trình diễn âm nhạc hay sáng tác giai điệu. Những ai sở hữu trí thông minh âm nhạc sẽ suy nghĩ, nghe hay viết ra được những mô hình âm nhạc (nốt nhạc, khuôn nhạc, các giọng trưởng, giọng thứ…). Những trẻ em có trí thông minh này có thể học tập thông qua âm nhạc. Mẹ có còn nhớ những bài hát a,b,c được phát trên truyền hình giúp bé học bản chữ cái? Đây chính là một ví dụ về cách dùng âm nhạc để khuyến khích bé học tập. Ngoài ra, mẹ còn có thể cho bé học đàn, học hát và nghe nhạc mỗi ngày để nuôi dưỡng năng khiếu của bé.

-Trí thông minh về thể chất-vận động: Là khả năng dùng cơ thể hay các bộ phận để diễn đạt hoặc giải quyết vấn đề. Những vũ công và vận động viên chính là ví dụ cụ thể cho loại hình thông minh này. Những thao tác bằng tay như đếm số khi học toán là một trong những cách để ứng dụng trí thông minh vận động vào trong học tập. Bạn có thể cho bé tập thể thao, các môn vận động như khiêu vũ, đá bóng, chạy bộ… để phát huy khả năng của bé.

-Trí thông minh tương tác: Là sự nhạy cảm đối về những người xung quanh và khả năng làm việc tốt trong một nhóm, hiểu người khác, và đảm nhận được những vai trò lãnh đạo. Hầu hết trẻ nhỏ đều có khả năng kết bạn, giao tiếp, tương tác và chia sẻ với các bạn bè lớn hơn hoặc nhỏ hơn. Để khuyến khích con, các mẹ có thể cho con thoải mái kết bạn, tham gia các hoạt động đội nhóm, tập cho bé thử sức với vai trò lãnh đạo.

-Trí thông minh nội tâm: Là sự hiểu biết về chính con người của mình và hành động dựa trên hiểu biết đó. Tự quan sát chính mình và đưa ra những khuôn mẫu cảm xúc của bản thân là cách để bé có thể đo lường được cảm giác của những người khác. Việc diễn đạt niềm vui, cảm hứng, sự thất vọng hay những cảm xúc, gửi đi những thông điệp chứa cảm xúc là một phần dẫn nhập tốt dành cho các bé trong lãnh địa của trí thông minh nội tâm. Mẹ cũng đừng tỏ ra quá lo lắng khi bé cần có khoảng không gian riêng để hiểu chính mình nhé.

-Trí thông minh tự nhiên: Được sử dụng để phân biệt các loại vật sống, chẳng hạn như cây cối hay các loài thú. Đồng thời, loại hình này gắn với sự thông hiểu về những hiện tượng tự nhiên, thời tiết. Những công việc của nhà động vật học, người nông dân, kỹ sư nông nghiệp, nhà dự báo thời tiết đòi hỏi sự phát triển của loại hình thông minh này. Ba mẹ có thể đưa bé đi dạo trong công viên, đến những khu dự trữ sinh quyển để bé có thể nhìn, chạm, ngửi, nghe những tảng đá, vỏ cây, dòng sông, bầu không khí và tiếng sóng của biển… để bé phân biệt được các sự vật với nhau.

MarryBaby

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]