Nuôi giấc mơ David Copperfield

Ảo thuật là nghề không phải ai cũng học được. Song, vẫn có những “phù thủy” trẻ thế hệ 8X, thậm chí 9X không chỉ mang trong mình giấc mơ trở thành một ảo thuật gia lừng danh như David Copperfield mà còn có rất nhiều ý tưởng, dự án đưa ảo thuật VN lên một tầm cao mới

0
Cao Tấn Thành, một người trẻ thế hệ 9X nhưng có niềm đam mê và năng khiếu kỳ lạ với ảo thuật. Từ trước tới nay, Thành mới chỉ tự học ảo thuật qua băng đĩa và các bậc tiền bối, nhưng năng khiếu và máu ảo thuật trong cậu thì dường như đã có từ trong bụng mẹ. Trẻ tuổi tài cao Dù mới đang học lớp 11 Trường Amsterdam - Hà Nội nhưng Thành đã có thâm niêm 3 năm theo đuổi ảo thuật. Xuất phát điểm như Thành kể ra cũng rất đơn giản: Trong một lần sinh hoạt, tất cả bạn bè đều đăng ký ca, múa, hát, riêng Thành được cả lớp yêu cầu phải chọn tiết mục khác cho đỡ nhàm. Thế là cậu học trò lớp 9 khi ấy đã chọn ảo thuật để thể hiện bản thân trước đám đông. Trò diễn đầu tiên của Thành là biến giấy thành tiền, rồi sau đó lại biến tiền thành giấy. Sau lần “ra mắt” ấy, Thành tiếp tục say mê nghiên cứu về ảo thuật. Sự tinh tế, nhạy cảm khi nhìn nhận tiết mục đã khiến Thành nhớ nằm lòng ngay 15 quy tắc cơ bản để trở thành một “phù thủy”. Với Thành thì ảo thuật giúp cậu nhận ra nhiều điều trong cuộc sống nhưng cũng làm cho chàng trai trẻ này... già trước tuổi. Trời phú cho Thành khả năng nhìn thấy cả những điều diễn ra sau tấm màn nhung của những bậc thầy “phù thủy”. Tháng 8-2008 này, tài năng trẻ của ảo thuật VN sẽ sang Mỹ du học ngành truyền thông đa phương tiện, nhưng một ước mơ vẫn canh cánh trong lòng Thành là làm sao tạo ra một bước đột phá cho ảo thuật VN. Thành đang có cơ hội thực hiện ước mơ đó. Trước khi đi du học, công việc liên quan đến thế giới ảo thuật luôn làm cậu bận rộn. Một doanh nghiệp tư nhân đã có lời mời Thành tư vấn về khâu kỹ thuật để mở một nhà hàng cà phê lấy tên là Ảo Thuật. Nhưng vinh dự và hạnh phúc nhất là cậu học sinh lớp 11 này đã được đích thân giám đốc Rạp xiếc Trung ương mời làm cố vấn và thư ký riêng để xúc tiến xây dựng một “rạp ảo thuật” trong khuôn viên rạp xiếc. Một hướng đi mới cho Rạp xiếc Trung ương khi mà sân khấu xiếc đã từ lâu không còn được đỏ đèn mỗi tối.

Trở thành một ảo thuật gia lừng danh, một David Copperfield của VN là giấc mơ mà Thành luôn đeo đuổi. Rất có thể trong tương lai, giới ảo thuật VN sẽ được chứng kiến một “phù thủy” trẻ tuổi nhưng tài cao làm rạng rỡ cho ảo thuật VN.

Shop ảo thuật đầu tiên tại VN của Cao Tấn Thành
Mở shop ảo thuật Không chỉ đam mê ảo thuật, Thành còn rất có đầu óc kinh doanh, làm thương mại từ nghề ảo thuật này. Illusionist Shop - cửa hàng bán băng đĩa dạy làm ảo thuật, các dụng cụ ảo thuật và nhận tư vấn, dạy các bạn trẻ làm các trò ảo thuật đơn giản - là ý tưởng táo bạo được Cao Tấn Thành thực hiện từ tháng 6-2007. Mới 17 tuổi, Thành đã mở một shop ảo thuật đầu tiên và duy nhất tại VN cho đến thời điểm này. Tiềm năng, triển vọng từ ngành nghề này cũng đã được Thành và những ảo thuật gia trẻ nhìn thấy. Học ảo thuật để thể hiện mình, để biểu diễn trước đám đông là nhu cầu đã có từ lâu trong giới học sinh, sinh viên. Thành tâm sự: “Ảo thuật có một sức hút ghê gớm, thậm chí nó có gì đó rất ma quái. Những người trẻ ưa khám phá đến với ảo thuật thì càng đam mê”. Tại Illusionist Shop của Thành có đầy đủ các dụng cụ ảo thuật từ đơn giản đến phức tạp để mọi người đều có thể trở thành “phù thủy” nghiệp dư. Những dụng cụ ảo thuật được nhập từ nước ngoài về đều có giá trên trời, nhưng Thành đã lấy mẫu mày mò nghiên cứu rồi đặt hàng cho các cơ sở trong nước làm. Tất nhiên đó chỉ là những món đồ đơn giản như ảo thuật với đồng xu, khăn giấy, tiền, quân bài... Ngoài tập trung cho việc gây dựng shop ảo thuật, Thành còn đảm nhận cả vai trò đạo diễn, set-up sân khấu ảo thuật cho các hội diễn văn nghệ ở các trường trung học, đại học. Nhưng hơn hết, địa điểm cung cấp đồ ảo thuật đầu tiên ở Hà Nội và VN còn là nơi mà Cao Tấn Thành và những bạn trẻ thể hiện những đam mê, trao đổi các kinh nghiệm về ảo thuật. Đây cũng là nơi duy nhất ở VN dạy các bạn trẻ làm “phù thủy” nghiệp dư, khi mà chưa có trường lớp nào, kể cả trường xiếc, làm được việc này.
Tai nạn nghề nghiệp Với mọi “phù thủy”, dù chuyên nghiệp đến đâu, chuyện tai nạn nghề nghiệp cũng có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Một ảo thuật gia tên tuổi kể, khi ông đang diễn tiết mục thôi miên cho người bay lên thì bị dàn nhạc rút điện, do cả hai đều sử dụng chung nguồn điện. Lúc đó, người bị thôi miên cứ bay lơ lửng, còn người thôi miên thì phải giả bộ và tìm cách cắm lại điện để hoàn thành tiết mục của mình.

Có một kiểu “tai nạn” khác cũng khiến các ảo thuật gia dở khóc dở cười như ảo thuật gia Minh Tuấn (Quảng Trị) chuyên diễn với chim bồ câu. Anh kể: “Có những thời điểm dịch cúm gia cầm, tôi phải nghỉ diễn tới 3 tháng vì bị ngành y tế dự phòng cấm nuôi chim!”.

Bài và ảnh: MẠNH DUY
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]