Nuôi tôm chân trắng: Nhảy vọt đi kèm nguy cơ

TP - Với ưu điểm thời gian nuôi ngắn, ngưỡng chịu mặn rộng, lợi nhuận trước mắt cao hơn tôm sú, việc nuôi tôm thẻ chân trắng đang tạo sức hút mới đối với nông dân, nhưng cũng kèm theo nhiều bất ổn.

0

>
>

Mùa tôm năm 2013 ở tỉnh Trà Vinh, sản lượng tăng hơn 10 lần năm 2012, vượt sản lượng tôm sú. Với ưu điểm thời gian nuôi ngắn, ngưỡng chịu mặn rộng, lợi nhuận trước mắt cao hơn tôm sú, việc thẻ chân trắng đang tạo sức hút mới đối với nông dân, nhưng cũng kèm theo nhiều bất ổn. 

Tăng vọt

diện tích ao nuôi 8 ha, thu hoạch trên 60 tấn tôm chân trắng, bán được trên 7 tỷ đồng, lãi ròng hơn 2,5 tỷ đồng, ông Lương Văn Tốt ở ấp 4, xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh) rất phấn khởi. Ông kể: “Trước đây, tôi nuôi tôm sú nhưng thành công ít, thất bại nhiều. Năm 2013, chuyển sang thả nuôi 3,2 triệu con giống tôm chân trắng, đã thu lãi bất ngờ”.

Ông Ngô Văn Kim ở ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông (Cầu Ngang) chuyển hơn 0,4 ha nuôi tôm sú sang tôm chân trắng, sau gần 3 tháng, thu lãi 330 triệu đồng. Ở nhiều xã của huyện Cầu Ngang và huyện Duyên Hải, vụ tôm 2013 chuyển sang nuôi tôm chân trắng, nông dân đạt lợi nhuận rất cao.

Ông Dương Văn Đởm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cầu Ngang, cho biết, năm 2013, huyện thả nuôi tôm sú trên diện tích 3.203 ha và có hơn 53% diện tích bị thiệt hại, sản lượng 4.152 tấn. Trong khi đó, tôm chân trắng nuôi diện tích 1.442 ha (chỉ bằng 45% diện tích tôm sú) nhưng sản lượng 8.000 tấn (gần 2 lần tôm sú), hơn 83,9% hộ nuôi có lãi.

Theo Sở NN&PTNT, năm 2013, Trà Vinh có hơn 26.000 ha mặt nước nuôi tôm sú; sản lượng gần 14.000 tấn. Còn tôm thẻ chân trắng, nuôi khoảng 2.323 ha (chưa bằng 10% diện tích tôm sú), nhưng sản lượng gần 10.500 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với năm 2012.

Nhiều nguy cơ

Tỷ phú tôm chân trắng Phạm Văn Tốt chia sẻ: “Tôm chân trắng có thời gian nuôi ngắn, nên hạn chế được rủi ro so với tôm sú. Tuy nhiên, vốn đầu tư cao hơn tôm sú, do mật độ nuôi dày từ 60 đến 150 con/m2”. Tỷ phú tôm chân trắng Cao Hữu Hiền ở xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang) cũng lo lắng: “Tôi có 4 ha nuôi tôm chân trắng, có 30% diện tích bị nhiễm bệnh nên chỉ lãi hơn 1 tỷ đồng. Do mật độ nuôi dày nên dịch bệnh dễ xảy ra, nhất là khi con giống không tốt, môi trường bất lợi”.

Mùa tôm mới 2014, các địa phương ở tỉnh Trà Vinh có kế hoạch thả nuôi tôm chân trắng gấp khoảng 2 lần năm 2013. Theo các chuyên gia, việc phát triển ồ ạt tôm chân trắng đang phá vỡ quy hoạch, vượt khả năng kiểm soát của ngành chức năng. Cơ sở hạ tầng điện, thủy lợi, vốn, con giống, kỹ thuật còn nhiều bất cập thì việc phát triển tôm chân trắng đại trà không tuân theo quy hoạch đang làm tăng bất ổn.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh, thạc sĩ Phạm Minh Truyền, nhận định, phát triển tôm chân trắng ồ ạt còn có thể gây những tác hại về đa dạng sinh học cũng như nguồn nguyên liệu tôm sú bản địa. Bên cạnh đó môi trường ngày thêm ô nhiễm trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu cũng đe dọa con tôm chân trắng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, nói: “Việc phát triển tôm chân trắng còn nhiều nguy cơ khi Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống. Ở Thái Lan chỉ cho phép nuôi tôm chân trắng quy mô công nghiệp khép kín. Ở Indonesia cũng tương tự, họ chỉ cho phép nuôi ở khu nuôi công nghiệp riêng biệt. Nên đề nghị các địa phương quan tâm”.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2013, tổng diện tích nuôi tôm 654.000 ha, trong đó tôm chân trắng 64.000 ha, tôm sú 590.000 ha. Tổng sản lượng 540.934 tấn, trong đó tôm chân trắng 272.837 tấn, tôm sú 268.097 tấn. Diện tích tôm chân trắng chỉ bằng 10,8%, nhưng sản lượng vượt tôm sú. Con giống tôm chân trắng đang là vấn đề nóng. Vừa rồi, kiểm tra phát hiện Cty Winaiphonoi ở 58/38 Moo Rawaisub, Muang, Phuket (Thái Lan) sản xuất tôm chân trắng bố mẹ không đảm bảo chất lượng để bán cho 4 doanh nghiệp tại Việt Nam, nên đã cấm nhập tôm từ Cty này.

Báo giấy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]