Nuốt sống thằn lằn để trị bệnh?

Để chữa trị một số bệnh hen suyễn, ho ra máu… trong dân gian lâu nay đã có nhiều người nuốt trọng thằn lằn sống. Gần đây ở phía Bắc lại rộ lên chuyện nuốt thằn lằn trị ung thư. Những cách trị bệnh như thế liệu có an toàn và khoa học?

15.6009


Nuốt sống thằn lằn để trị bệnh là nguy hiểm và không khoa học. Ảnh: Kim Mỹ Châu

Trong y học cổ truyền, thạch sùng (thằn lằn) là một trong những loài bò sát được dùng làm thuốc từ rất lâu đời. Các y thư cổ như Bản thảo cương mục, Đường bản thảo, Thánh huệ phương, Thánh tễ tổng lục, Kỳ hiệu lương phương… đều có bàn đến thạch sùng với những kiến giải và kinh nghiệm trị liệu khá sâu sắc. Thằn lằn có nhiều loài, trong đó chỉ có các loài như: Hemidactylus frenatus Schlegel, Gekko swinhonis Guenther, Gekko japonicus (Duméril & Bibron), Gekko chinensis Gray thuộc họ tắc kè (Gekkonidae) là được sử dụng làm thuốc với nhiều tên gọi khác nhau như: thằn lằn, mối rách, bích hổ, thủ cung, thiên long… Thạch sùng sống hoang khắp nơi ở vùng nhiệt đới, trong nhà. Nó thường xuất hiện vào ban đêm dưới ánh đèn để bắt muỗi và bướm.

Theo dược học cổ truyền, thạch sùng có vị mặn, tính hàn, có ít độc, có tác dụng bổ phế thận, ích tinh huyết, trấn tĩnh giản kinh (an thần, chống co giật)… thường được dùng chữa các chứng bệnh như trúng phong tê liệt (liệt bại do tai biến mạch máu não), trẻ em kinh phong (co giật), phá thương phong (uốn ván), trẻ em cam tích, tràng nhạc (lao hạch), hư lao khái thấu (ho nhiều do hư lao), khí suyễn (hen phế quản), khạc huyết (ho ra máu), dương nuy (liệt dương), viêm đa khớp dạng thấp, các chứng đau do thần kinh, ác sang (viêm loét ác tính), nấm da, cước khí…

Sách Tứ xuyên Trung dược chí còn ghi thạch sùng có công dụng “khu phong, phá huyết tích thành cục, trị thũng lựu (ung thư)”. Chẳng hạn để chữa lao hạch và hen suyễn, người ta dùng thạch sùng cho vào chuối hoặc bọc trong lá khoai lang đã hơ nóng cho mềm để dễ nuốt hoặc dùng thạch sùng sấy khô, tán thành bột, mỗi ngày uống nửa phân với rượu; để trị ung sang đau nhiều, dùng bột thạch sùng trộn với dầu vừng bôi lên tổn thương; để trị nấm da dùng thạch sùng năm con và ngô công (con rết) năm con đem ngâm với rượu, lấy dịch chiết bôi lên tổn thương; để trị cước khí (thấp chẩn) dùng thạch sùng hai con đem ngâm với 200ml cồn 90 độ, sau mười ngày thì dùng được, lấy dịch chiết bôi vào tổn thương…

Về thành phần hoá học, thạch sùng chứa tới 11,92 – 15,97% chất béo, trong đó có lecitin, lyzolecitin, sphingomyelin, cephlin, cardiolipin, phosphattidyn serin và phosphatidylinontola, một chất giống histamin. Ngoài ra, còn chứa protid và một loại chất có độc. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, trên in vitro (thực nghiệm), thạch sùng có tác dụng ức chế hô hấp tế bào ung thư gan, ức chế trực khuẩn lao và một số loại nấm gây bệnh thường gặp, an thần gây ngủ, chống co giật và chống ung thư máu. Trên lâm sàng, các nhà y học Trung Quốc cũng đã dùng thạch sùng chữa suy nhược thần kinh, cốt tuỷ viêm, ung thư thực quản, ung thư dạ dày…

Chẳng hạn, để chữa lao hạch, người ta dùng thạch sùng sấy khô, tán bột rồi đóng vào các viên nang, mỗi ngày uống ba lần, mỗi lần 2 – 3 viên với rượu vàng (một loại rượu vang, làm từ hoa quả); để chữa ung thư thực quản và dạ dày, dùng thạch sùng một con sao với gạo cho đến khi gạo vàng đen, lấy ra tán bột chia uống 2 – 3 lần với rượu vàng…

Để làm thuốc, người ta thường dùng thạch sùng dưới dạng toàn thân phơi khô. Tuy nhiên trong dân gian vẫn có một số người do quan niệm tâm linh và nghĩ rằng thạch sùng tươi giàu chất bổ hơn khô nên đã nghĩ ra cách bắt thạch sùng, hả miệng, cho đầu vào rồi ngắt đuôi để thạch sùng chui tọt vào trong bụng. Cách làm này vừa nguy hiểm và lại không khoa học bởi nếu sơ sẩy, thạch sùng sẽ chui vào các đường dẫn hô hấp, gây nguy hiểm cho tính mạng.

Cũng như một số loài vật khác, thạch sùng có khá nhiều công dụng trong việc phòng chống bệnh tật. Tuy nhiên, cho đến nay, ở nước ta vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này. Ngay cả hiệu quả thật sự của các bài thuốc nói trên, đa phần cũng chỉ là nghe qua lời kể của người bệnh, chưa có nhiều nghiên cứu xác nhận. Bởi thế, việc sử dụng thạch sùng chữa bệnh vẫn chỉ dừng lại ở mức độ kinh nghiệm rời rạc và thiếu tính thuyết phục, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc do không được tư vấn đầy đủ. Vậy nên, việc khuyến cáo người bệnh không tự ý sử dụng thạch sùng làm thuốc là rất cần thiết.

Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn-Trưởng khoa đông y, bệnh viện Trung ương quân đội 108(Sài Gòn Tiếp Thị)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]