Ở khu cách ly H1N1

0
Trước khi cho người đưa chúng tôi vào khu cách ly dành cho bệnh nhân cúm A/H1N1, phó viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đớitruyền nhiễm quốc gia Nguyễn Hồng Hà dặn với: “Cung cấp ngay khẩu trang N95 cho nhà báo. Nếu có nhiễm bệnh thì cũng… nhiễm nhẹ thôi!”. 

Do tính chất dễ lây lan, bệnh nhân cúm A/H1N1 được dành khu điều trị cách ly tuyệt đối - Ảnh: Cù Zap
Hơi ớn. Chúng tôi đeo khẩu trang, đội mũ y tế vào trong khu cách ly!
Buồn!
Cách ly ít nhất 5 ngày
Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 phải ở luôn trong khu cách ly ít nhất năm ngày, đến khi xét nghiệm cho kết quả âm tính với cúm A/H1N1 mới được xuất viện.
Ở phòng đầu tiên của dãy phòng cách ly có hai trẻ em - một bé 9 tuổi và một bé 22 tháng đang… bú bình. Mẹ bé cũng đeo khẩu trang. Chị kể cả nhà đi du lịch ở Úc về thì hai bé bị nhiễm cúm A/H1N1, mẹ theo vào khu cách ly chăm sóc. Giường bên cạnh là một thanh niên trẻ cũng đeo khẩu trang kín mít. 
Trưa hè Hà Nội oi nồng, phòng cách ly lại mở cửa cho thông thoáng, nam bệnh nhân vẫn phải “diện” bộ quần áo bệnh viện kín mít. Ở phòng bên cạnh, cửa kính trong veo, một nam bệnh nhân khác cầm tờ báo nhưng mắt lại ngó đâu đâu. “Nóng và buồn” - anh than thở.
Nhìn quanh, quả là so với các khu khác trong viện, khu cách ly này được dành điều kiện khá hơn. Phòng bệnh ba giường, có khu vệ sinh riêng, nệm giường trải drap trắng sạch sẽ. Ngay ở cửa ra vào, một chiếc xe đẩy nhỏ chứa đầy mũ, khẩu trang, quần áo dùng một lần, ủng y tế… dành cho người nhà muốn vào chăm sóc bệnh nhân. Trên tường treo một chai nước rửa tay khô. 
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, phó viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, cho biết để có khu cách ly này, viện đã phải dành hai khu với năm phòng bệnh, trong đó ba phòng cho bệnh nhân cúm A/H1N1, hai phòng cho bệnh nhân hội chứng cúm nhưng chưa rõ nguyên nhân. “Dành ra một góc bệnh viện, thiếu giường nên nhiều bệnh nhân nặng các bệnh khác phải ra hành lang, rất khó khăn” - ông than thở. 
Bao giờ có “khu cách ly thật sự”?
Theo ông Hà, thật ra chưa có khu cách ly nào ở bệnh viện VN đủ điều kiện là khu cách ly! “Theo nguyên tắc, mỗi phòng bệnh trong khu cách ly phải có vùng đệm, khi bệnh nhân từ phòng bệnh ra phòng đệm, cửa thông với hành lang ngoài vẫn đóng kín, tức là không có lúc nào phòng bệnh và hành lang ngoài mở cửa cùng một lúc”- ông Hà giải thích. Đã có kinh nghiệm chống dịch bệnh lây qua đường hô hấp từ hồi dịch SARS năm 2003, từ đầu mùa cúm A/H1N1, Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia đã tiếp nhận vài chục ca cả cúm A/H1N1 lẫn nghi nhiễm. So với TP.HCM thì chưa thấm vào đâu, nhưng cũng đã có khối chuyện để kể.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng kể bệnh viện “rối” nhất với những bệnh nhân là người nước ngoài vào khu cách ly. “Có thể tour du lịch hoặc đại sứ quán đến lo ăn uống cho bệnh nhân, nhưng những ngày đầu thì phải nhờ bệnh viện. Người nước ngoài chủ yếu ăn bánh mì, xúc xích, phômai, uống sữa… Và viện giao các cô y tá lo việc này. Cũng có khi người nhà bệnh nhân mang thức ăn đến rồi nhờ y tá mang vào khu cách ly. Họ rất sốt ruột và thường gọi để hỏi: Bao giờ được ra viện?” - bác sĩ Hùng kể.
Ông Nguyễn Văn Kính, viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, nói nhiều bệnh nhân nước ngoài phải vào viện cách ly thường băn khoăn cơ sở vật chất bệnh viện không có gì, giường nệm không đẹp như… khách sạn, đồ ăn kiểu cơm hộp VN không hợp khẩu vị, có người yêu cầu có Internet để họ còn biết thông tin về thế giới bên ngoài… “Viện có wifi, cũng đưa cho họ mật khẩu để vào mạng, nhưng sóng chập chờn, máy tính ai tốt thì vào được, còn kéo đường dây về buồng bệnh thì rắc rối lắm. Các trang bị khác thì khó, buồng bệnh mình có gì đâu” - ông Hà cười, chia sẻ.
Theo ông Hà, năm ngày biệt lập ở bệnh viện, không phương tiện giải trí, không Internet, không truyền hình, không công việc, có người còn không có người thân… quả là buồn. Nhưng rất may hầu hết bệnh nhân hợp tác với bệnh viện, họ hiểu nguy cơ lây lan ra cộng đồng, ra người thân nếu họ sơ suất.
Dịch bệnh đang xuất hiện ngày càng nhiều. Từ năm 2003 đến nay mới vỏn vẹn sáu năm, đã có ba loại bệnh mới tinh xuất hiện là SARS, cúm H5N1 và cúm A/H1N1. Nếu có khu cách ly thật sự, bệnh viện cũng đỡ lo nguy cơ lây lan, không phải giành giường của bệnh nhân khu vực khác… Khó khăn thì cần chia sẻ, nhưng ứng phó với dịch bệnh một cách chuyên nghiệp hơn thì khả năng còn ở phía trước.
TTO
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]