Olympic London và những “kỳ quan nghệ thuật”

Bên cạnh các cuộc triển lãm tác phẩm mỹ thuật của Lucian Freud, David Hockney, Damien Hirst và Yoko Ono (DNSGCT số 463 ra ngày 13/7/2012 đã giới thiệu) là Liên hoan nghệ thuật London kéo dài suốt mười hai tuần (từ 21/6 đến 9/9) với sự tham dự của khoảng 25.000 nghệ sĩ đến từ 205 nước và với đủ loại hình nghệ thuật khác nhau, diễn ra không chỉ ở thủ đô mà ở khắp vương quốc Anh.

15.5776

Đọc E-paper

Chiếc BMW do Roy Lichtenstein trang trí

Có những sự kiện thật độc đáo như triển lãm bộ sưu tập xe nghệ thuật của hãng BMW, giới thiệu với công chúng mười sáu chiếc xe thuộc nhiều thế hệ, được biến thành những tác phẩm nghệ thuật qua bàn tay của các nghệ sĩ tạo hình tên tuổi như Alexander Calder, Roy Lichtenstein, Robert Rauschenburg, Frank Stella, Andy Warhol, David Hockney, Jenny Holzer, Matazo Kayama, Jeff Koons…

Mỗi chiếc BMW trở thành tấm toan để người nghệ sĩ tạo hình tha hồ thể hiện sức sáng tạo của mình. Từ 21-7 đến 4-8, khu đỗ xe NCP trên đường Great Eastern ở London trở thành một gallery ngoài trời và ban tổ chức dự kiến triển lãm này sẽ thu hút một lượng khách kỷ lục.

Từ khu vực East Midlands, ngoại vi London, ba con sư tử khổng lồ bằng len được đan móc trong suốt hai năm - tác phẩm của nghệ sĩ đan len Shauna Richardson - sẽ du hành vào thủ đô nước Anh trong một cái “chuồng” bằng kính trong suốt.

Nghệ sĩ đan len Shauna Richardson với ba con sư tử bằng len được cô thực hiện trong suốt hai năm

Trong khi đó, một búp bê khổng lồ bằng nhựa cao hơn 10m, thể hiện hình ảnh phu nhân Govida (980-1067; vợ của bá tước Leofric, một phụ nữ xinh đẹp đã dũng cảm khỏa thân cưỡi ngựa đi một vòng quanh thành phố Coventry của nước Anh để đòi triều đình giảm thuế nặng cho dân chúng), trong trang phục đồ lót của nhà thiết kế Zanda Rhodes sẽ “bước” trên các đường phố London nhờ được kéo bởi 50 vận động viên xe đạp.

Và tác phẩm có tên Báng bổ thánh thần của Jeremy Deller, nghệ sĩ đoạt giải thưởng mỹ thuật danh giá Turner, gồm mấy khối chất dẻo không cháy có hình dáng và kích thước ngang với những khối đá khổng lồ Stonehenge đang làm một cuộc du hành khắp nước Anh trước khi đến London để khách tham quan thoải mái nhảy múa bên tác phẩm nhờ nó được đặt trên một tấm thảm cao su đàn hồi.

Vui đùa bên tác phẩm nhại kỳ quan bằng đá Stonehenge

Trong một nỗ lực khác, Bảo tàng Tate Modern sẽ mở cửa một khu triển lãm nằm dưới lòng đất - nguyên trước đây là khu vực đặt các bồn xăng dầu của trạm năng lượng Bankside - có kích thước khoảng hơn 30m mỗi chiều và cao gần 7m.

Khu triển lãm dưới lòng đất của Bảo tàng Tate Modern

Đây sẽ là khu vực lớn nhất thế giới dành cho nghệ thuật trình diễn cũng như các loại hình nghệ thuật đương đại khác. Trong ngày khánh thành, nơi đây diễn ra các cuộc trình diễn của hai nghệ sĩ nổi tiếng Anne Teresa De Keersmaeker (Bỉ) và Sung Hwan Kim (Hàn Quốc).

Cách đó không xa, trong đại sảnh Turbine Hall của bảo tàng là cuộc trình diễn của nghệ sĩ đương đại Tino Sehgal…

Không chỉ có tác phẩm của các cá nhân nghệ sĩ, tại gallery Serpentine, bà Yoko Ono giới thiệu dự án nghệ thuật có tên#smilesfilm với sự tham gia của cộng đồng, theo đó nữ nghệ sĩ đề nghị công chúng toàn cầu đưa lên trang mạng Twitter và Instagram hình ảnh của chính họ đang cười vui.

Tất cả hình ảnh nụ cười ấy đều xuất hiện trên màn hình ở gallery và được online liên tục. Tương tự, vào đúng ngày khai mạc Olympic London, khi ngọn lửa thiêng Olympic được thắp lên cũng là lúc diễn ra màn trình diễn vô tiền khoáng hậu theo sự sắp xếp của Martin Creed, nghệ sĩ đoạt giải Turner.

Dự án#smilesfilmcủa Yoko Ono

Theo đó, tất cả các loại chuông có ở London, từ chuông nhà thờ, chuông cửa, đến chuông xe đạp sẽ cùng lên tiếng trong một bản hòa tấu lạ thường.

Nhưng chính làng Olympic đã có một tác phẩm vĩ đại, đó là tòa tháp ArcelorMittal Orbit do hai nghệ sĩ ngôi sao Anish Kapoor và Cecil Balmond thiết kế và được thực hiện với sự tài trợ của ông trùm ngành sản xuất thép Lakshmi Mittal - cả tác giả lẫn nhà tài trợ đều là người Anh gốc Ấn Độ và Sri Lanka.

Tòa tháp cao 115m, hình dáng vặn xoắn lạ thường này là tác phẩm điêu khắc cao nhất nước Anh và cũng là tác phẩm gây ra nhiều tranh cãi nhất thời gian qua.

Có người cho rằng nó là một biểu tượng mới của London, chẳng khác gì tháp Eiffel của Paris, có người lại bảo nó trông thật “bẩn mắt”, “kỳ quái”. Anish Kapoor thì cho rằng khi tháp Eiffel được xây dựng, chẳng có người dân Paris nào ưa nó!

Ngoài những dự án được tư nhân tài trợ thì một kinh phí không nhỏ của nước Anh đã được chi cho hàng loạt hoạt động nghệ thuật.

Tháp ArcelorMittal Orbit

Đã có không ít những chỉ trích vì nước Anh nói riêng và châu Âu nói chung đang trong hoàn cảnh kinh tế - tài chính chật vật, nhưng Olympic nghệ thuật còn đem lại niềm vui cho hàng triệu người sau khi Olympic thể thao kết thúc.

Nói như ông Ruth Mackenzie, giám đốc của Liên hoan nghệ thuật London 2012 thì: “Có thể không có được gì đó cho mọi người, nhưng mọi người sẽ tìm thấy được gì đó (qua liên hoan)”.

LÊ BẢN / DNSG Cuối tuần
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]