Ôn thi đại học: TS Sử học hướng dẫn cách làm bài tốt môn Lịch sử

(GDVN) - Học sử như thế nào để có thể nhớ bài được lâu? Những phần nào là quan trọng nhất trong chương trình học? Làm bài thế nào để thi được điểm cao nhất?

15.5865

Báo GDVN đã có cuộc trò chuyện với thầy Trần Viết Nghĩa Giảng viên khoa Sử trường ĐH KHXH&NV ĐH QG HN để đem đến cho các bạn học sinh một vài bí quyết hữu ích.

PV: Thưa thầy muốn học tốt môn sử thì học sinh nên học như thế nào ạ?.

TS. Trần Viết Nghĩa
:
Môn lịch sử cũng như nhiều môn học khác đòi hỏi sự chăm chỉ trong quá trình học tập. Sự đầu tư thời gian và công sức để học là một trong những nhân tố quan trọng làm nên thành công.

Nếu các bạn học sinh nghĩ rằng chỉ học thuộc lòng để nhớ các sự kiện là đã học tốt môn lịch sử thì đơn giản quá. Lịch sử là môn học đòi hỏi rất cao tư duy độc lập của người học trong cách đánh giá, phân tích nhân vật, sự kiện, v.v...

Học sinh không nên hiểu chỉ học trong sách giáo khoa là đủ. Những kiến thức trong sách giáo khoa mới chỉ tóm lược vắn tắt tiến trình lịch sử quốc gia và thế giới. Nếu có thời gian học sinh nên đọc thêm các sách lịch sử khác để hiểu biết thêm.
 

TS Trần Viết Nghĩa bên tay trái bảo vệ luận án Tiến Sĩ

PV: Vậy thưa thầy làm sao để có thể khơi gợi được tình yêu môn lịch sử với các em học sinh?

TS. Trần Viết Nghĩa: Đây chính là một câu hỏi rất lớn đối với cả xã hội, chứ không riêng gì đối với ngành sư phạm. Theo cá nhân tôi để học trò yêu lịch sử thì cần:

Sự quan tâm đúng mức của xã hội. Một dân tộc yêu lịch sử, tôn trọng lịch sử thì sẽ có những học sinh yêu lịch sử, thích học lịch sử.


Giáo viên dạy môn lịch sử trước hết phải có lòng yêu nghề và có kiến thức sâu về chuyên môn. Dạy vô cảm thì hậu quả học trò học vô cảm. Vì vậy các thầy cô cần phải dạy học trò không bằng trái tim mà cả khối óc nữa. Dạy bằng trái tim là để truyền sự rung cảm. Dạy bằng khối óc là để truyền đạt tri thức.

Làm cho học sinh thấy được học lịch sử có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của quốc gia dân tộc. Học lịch sử trước hết là học về lòng yêu nước, học xưa để biết nay. Nếu các cá nhân trong một dân tộc không biết nguồn gốc và tổ tiên của mình thì dân tộc đó sẽ tiêu vong. Đánh mất lịch sử đồng nghĩa với đánh mất quốc gia dân tộc mình.

Cần cho học sinh thấy học lịch sử không có giới hạn mà là học suốt đời như các môn học khác. Các em có thể học bất cứ lúc nào nếu muốn miễn là lòng đam mê với lịch sử là không có giới hạn.
Làm cho học sinh thấy được học lịch sử có lợi cho nghề nghiệp của mình sau này. Lịch sử có trong tất cả các lĩnh vực, bởi ngành nghề nào mà chẳng có lịch sử hình thành và phát triển. 

Khi dạy học các thầy cô không nên quá cứng nhắc về phương pháp, mà phải có sự linh hoạt trong từng bài giảng. Không dạy theo kiểu “thầy đọc trò ghi”, vì hậu quả của nó là đến khi đi thi học trò sẽ “chép hết gì thầy đã đọc”. Nên dạy cho học sinh cách phân tích, đánh giá, thậm chí là phê phán các sự kiện lịch sử. Để học sinh thực sự nhập cuộc vào bài học, chủ động trong lối suy và cách nghĩ, các thầy cô cần đưa ra các chủ đề lịch sử để các em tham gia thảo luận, nhất là thảo luận theo các nhóm. Chúng ta cần đa dạng hóa cách dạy và cách học. Dạy học mà khuôn cứng là hỏng, là bóp chết lòng đam mê học tập của học trò.

PV: Thưa thầy sắp đến kì thi nhiều bạn học sinh vô cùng lo lắng không biết phải ôn thế nào. Thày có thể chia sẻ cách ôn luyện thi môn lịch sử thế nào cho có hiệu quả?

TS. Trần Viết Nghĩa
: Trước hết là học sinh phải thấy khối ngành mình lựa chọn là đúng và phù hợp. Bởi chỉ khi tâm lý thoải mái thì học mới có hiệu quả.

Phải chăm chỉ học. Không học thuộc lòng theo kiểu học vẹt, mà nên học theo kiểu xây dựng các dàn ý cho mỗi bài học. Ví dụ một bài có bao nhiêu ý lớn, trong mỗi ý lớn có bao nhiêu những ý nhỏ. Nắm lấy những sự kiện chính, nhân vật chính, địa danh chính,… Sau đó viết diễn đạt lại theo văn phong của mình.

Để nắm bắt được nội dung một bài cần đọc sách theo kiểu đọc 5 lần. Không phải đọc oang oang làm tốn sức, mà nên đọc bằng mắt.

Đọc lần 1, học sinh nên đọc nhanh để nắm bắt nội dung cơ bản, để xác định các ý chính.

Đọc lần 2, học sinh chậm hơn để xác định chính xác bài gồm có bao nhiêu ý chính, và nắm bắt sơ bộ các ý nhỏ.

Đọc lần 3, học sinh đọc kỹ bài để xác định chính xác lại các ý chính, nắm cơ bản các ý nhỏ.

Đọc lần 4, học sinh gập sách vở lại và tự đọc bằng đầu để kiểm định lại xem đã nhớ được những gì, có thể có bạn tự viết lại ra giấy cũng được.

Đọc lần 5, học sinh mở sách vở ra để xem lại toàn bộ, lần đọc này sẽ giúp học sinh phát hiện được những chỗ mình còn thiếu sót. Cứ sau năm bài nên đọc lại từ đầu để nhớ tốt hơn.

Cách đọc, học này sẽ giúp học sinh nhớ lâu hơn, tiết kiệm được thời gian hơn. Một học sinh có thể mất từ 2- 3 giờ để nhớ được một bài có độ dài từ 3- 5 trang sách, nhưng nếu áp dụng cách đọc trên thuần thục, có thể chỉ mất khoảng 30 phút

Tập trả lời các câu hỏi có sẵn trong sách giáo khoa. Nếu câu nào không hiểu, chưa hiểu rõ thì có thể hỏi thầy cô, hoặc thảo luận cùng bạn bè.

Học theo trình tự trong sách, tránh học theo kiểu tùy tiện thích học bài nào học trước thì học.

Học sử cần phải học theo trình tự sách giáo khoa

PV: Thầy có thể chia sẻ rằng những phần nào trong chương trình học là cần thiết nhất cho các em ôn thi đại học?


TS. Trần Viết Nghĩa: Không thể nói là phần nào quan trọng nhất được. Phải xác định phần nào cũng quan trọng như nhau để tránh tình trạng học sinh học tủ.

PV: Thầy có thể chỉ ra một vài kinh nghiệm trong phân tích đề thi?

TS. Trần Viết Nghĩa
: Sau khi nhận đề thi, học sinh cần đọc kỹ lưỡng các câu hỏi trong đề thi và không nên vội vã làm bài ngay.

Khi phân tích câu hỏi cần phải xem giới hạn thời gian, không gian, đối tượng và nội dung câu hỏi đề cập đến để tránh trả lời thừa hay thiếu.

Đối với những câu hỏi cần phải tổng hợp kiến thức, cần phải xác định rõ xem những nội dung trả lời nằm ở những bài nào.

PV: Thưa thầy cách phân bố thời gian làm bài thi, chọn câu hỏi làm bài trước?

TS. Trần Viết Nghĩa
: Thường thì một đề thi có từ 3- 4 câu hỏi. Mỗi câu hỏi có thang điểm khác nhau. Thường thì câu nào có số điểm cao thì có độ khó hơn và độ dài hơn, với dạng câu hỏi này thì dành nhiều thời gian hơn. Với những câu hỏi có nội dung ngắn hơn và điểm số ít hơn thì dành ít thời gian hơn. Nên làm câu hỏi dễ trước trước, khó làm sau; câu hỏi mang tính học thuộc trước, tính tổng hợp kiến thức sau.

PV: Môn sử có phải làm dàn bài trước hay không a?

TS. Trần Viết Nghĩa
Có chứ .

PV: Thầy có thể chỉ cho các em học sinh biết nên lập dàn ý như thế nào ạ?

TS. Trần Viết Nghĩa
: Nhiều học sinh có thói quen là nháp hết các nội dung trả lời ra giấy rồi viết lại vào trong bài. Không nên làm theo cách này, vì sẽ rất mất thời gian chép lại. Có bạn chép lại không kịp vì hết giờ làm bài. Tốt nhất là các bạn đọc kỹ câu hỏi, sau đó viết ra các ý chính và những ý nhỏ đi theo từng ý chính.

Sau đó đọc lại xem còn thiếu ý nào không, lưu ý đến thứ tự các ý. Sau khi lập xong dàn ý rồi, thì bắt đầu viết nội dung trả lời vào bài thi. Cách lập dàn ý này giúp các bạn hạn chế được tình trạng bỏ sót các ý trong phần trả lời. 

PV: Cám ơn thầy đã chia sẻ. Chúc thầy luôn mạnh khỏe và công tác tốt.

TS. Trần Viết Nghĩa
: Chúc các bạn học sinh đã chọn sử sẽ yêu sử và thành công với môn sử.     

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]