Ông thầy chuyên trị bệnh... nan y?!

Với mớ thuốc Bắc, thầy Năm Thiên và các cộng sự ở ấp Phú Mỹ, thị trấn Cái Tàu Hạ (Châu Thành, Đồng Tháp) tuyên bố có khả năng trị dứt các bệnh xơ gan, tiểu đường, ung thư... giai đoạn cuối

0
Tới thị trấn Cái Tàu Hạ hỏi thăm phòng khám y học cổ truyền (YHCT) của thầy Năm Thiên, mấy bác tài Honda ôm chỉ : “Đến cầu Cái Gia Nhỏ đi theo con lộ bê tông cặp theo mé rạch vô chừng 200 m, nơi nào thiên hạ tấp nập thì đó là phòng khám Thọ Thiên Đường của ổng”. Bệnh nhân nằm,ngồi la liệt Ở đầu một con đường trên Quốc lộ 80, xe du lịch, xe đò đậu lềnh khênh chờ người bệnh. Trước phòng khám, dưới rạch Cái Gia Nhỏ, ghe xuồng chen chúc. Bên những bụi tre cạnh bờ rạch, kẻ ngồi người nằm chờ tới lượt được khám bệnh, lấy thuốc. Nhiều người bệnh quá nặng nhưng thân nhân vẫn chở đến cầu may, khiêng từ ghe xuồng, xe cộ vào nằm khắp nơi. Ngay cạnh phòng khám bệnh của thầy Năm Thiên là một căn nhà lá rộng không phên vách, trong đó chen chúc võng và giường tre; người bệnh nằm mong ngóng, chờ đợi. Thấy tôi lớ ngớ, bà “chủ trại” nói: “Thuê giường nằm chữa bệnh hả? 5.000 đồng/đêm”. Phòng khám YHCT của thầy Năm Thiên (Huỳnh Hữu Thiên) là một gian nhà ngói nằm khuất sau một vườn cây kiểng. Muốn vào khám bệnh phải đăng ký ghi tên rồi... ra ngoài lây lất chờ đợi, khi nào nghe gọi tên mới được vào phía trong cho thầy khám. Tôi chen theo dòng người khám bệnh vào bàn ghi tên. Một tay thanh niên gầy nhom, tóc dài, da men mét, hỏi: “Tên gì, quê ở đâu, bệnh ra sao?”. Thấy tôi ú ớ, tay thanh niên nhìn chăm chăm dò xét. Tôi vội đáp: “Tới hốt thuốc cho ông anh, bị đau gan, nặng lắm, vô hóa chất mấy lần mà không khỏi”. Anh ta hạch hỏi: “Có giấy tờ gì không, thí dụ giấy xét nghiệm máu, phim chụp X-quang, kết quả siêu âm... Không có thì về nhà lấy mang lại đây cho thầy xem”, rồi quay sang hỏi họ tên người khác. Phòng khám YHCT này đã có từ lâu. Thầy Năm Thiên là cháu vợ của vị lương y chủ nhà Nguyễn Văn Cưu. Trước đây, thầy Năm học ngành nông nghiệp nhưng bỏ nghề nông theo nghề thuốc, học lương y đa khoa rồi ra ngồi phòng khám bắt mạch kê toa. Nhưng vài năm gần đây, thầy Năm Thiên và 4 đồng nghiệp Nguyễn Hoàn Thọ, Nguyễn Thanh Hoàn, Võ Văn Tánh, Huỳnh Thanh Phi tung chiêu “điều trị tiệt nọc các bệnh hiểm nghèo, nan y như xơ gan cô í trướng, tiểu đường, ung thư giai đoạn cuối”. Thầy Năm luôn miệng tuyên bố bệnh nào Tây y chạy; bệnh viện, bác sĩ chê thì vào tay thầy đều khỏi nên một đồn mười, mười đồn trăm, con bệnh từ khắp nơi kéo tới ngày một đông, bình quân mỗi ngày có không dưới 200 người đến khám, mua thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, quan sát phương pháp khám chữa bệnh của thầy Năm Thiên và các đồng sự, tôi không thấy có điều gì “thần kỳ”: Nếu người bệnh trực tiếp đến phòng khám thì thầy Năm xem mạch hốt thuốc; người nào yếu quá không đến được thì thân nhân chỉ cần mang các phiếu xét nghiệm, phim X-quang, kết quả siêu âm đến “trình” là thầy Năm bốc thuốc ngay. Tiền mất, mạng vong! Quan sát hoạt động của phòng khám Thọ Thiên Đường suốt một buổi sáng, tôi thấy bệnh nhân nào ra về cũng được các lương y phát 10 thang thuốc Bắc, mỗi thang trị giá 30.000 đồng. Anh Trương Văn Ngọc ở thị xã Cao Lãnh (Đồng Tháp), cho biết cha anh bị xơ gan giai đoạn cuối, bụng chướng to, đi đứng không nổi, các bệnh viện ở Đồng Tháp và TPHCM đều “chạy” nhưng nghe đồn mấy ông lương y ở đây “chữa bệnh như thần” nên đến cầu may. Anh Ngọc đã đến hai lần, tốn 600.000 đồng tiền thuốc nhưng sức khỏe của người cha già ngày càng yếu. Trong khi đó nhiều thân nhân của bệnh nhân cho biết, uống 1 - 2 thang thuốc đầu thì sức khỏe người bệnh có khá hơn nhưng càng uống càng bị... tiêu chảy, bệnh tình không thuyên giảm nhưng không dám bỏ thuốc vì hy vọng còn nước còn tát.

Cho đến nay chưa ai tận mắt thấy một bệnh nhân nào được Phòng khám YHCT Thọ Thiên Đường của thầy Năm Thiên chữa khỏi các chứng bệnh nan y. Nhưng có nạn nhân sau một thời gian sử dụng “thuốc tiên” của phòng khám Thọ Thiên Đường đã “tiền mất, mạng vong” như ông Nguyễn Ng. ở An Giang, bà Nguyễn Thị Ng. ở An Phú (An Giang), ông N.H.T ở Khánh Bình (An Giang), ông Ng.V. T. ở Bình Minh, Vĩnh Long... Bác sĩ Nguyễn Văn Chính, Trưởng Phòng Y tế huyện Châu Thành, bức xúc: “Nhiều người chết lắm, bệnh xơ gan, ung thư, tiểu đường giai đoạn cuối thuốc nào mà chữa khỏi? Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân ở xa đến ăn dầm nằm dề, cơm hàng cháo chợ để uống thuốc với hy vọng lành bệnh nhưng sức khỏe càng ngày càng suy kiệt, đưa vào bệnh viện huyện cấp cứu rồi chết, hồ sơ bệnh án chúng tôi còn giữ đây”. Bác sĩ Chính xác nhận: Ngành y tế huyện Châu Thành đã nhiều lần lập biên bản vi phạm nhưng nhóm lương y này vẫn chứng nào tật nấy. Phòng Y tế Châu Thành khuyến cáo người bệnh không nên nghe những lời khoác lác, khoa trương của nhóm này để khỏi lâm cảnh “tiền mất, mạng vong”.

Bài và ảnh: HÙNG ANH
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]