PGS Văn Như Cương ủng hộ “cách làm Tây” cho kỳ thi THPT quốc gia

GiadinhNet - Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức, đã thu hút hàng chục nghìn thí sinh đăng ký dự thi tham gia. Thí sinh chỉ đóng 100.000 đồng, thi một buổi, biết kết quả rồi về ngay. Đặc biệt, kỳ thi này đã hạn chế quay cóp, gian lận trong thi cử. Kỳ thi cũng được đánh giá là cuộc cách mạng về thi cử đối với giáo dục CĐ, ĐH.

15.6033

 

Thành công của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN vừa qua, sẽ là cơ sở để cải tiến, thay đổi phương án thi của kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Ảnh: VNU

 

Giảm thời gian, tiền bạc cho thí sinh

Theo thống kê của ĐHQGHN, (giống với kỳ thi SAT đang áp dụng ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới) đợt I vừa qua đã có gần 96% trong tổng số hơn 45.000 thí sinh đăng ký tham gia, đạt tỉ lệ dự thi cao kỷ lục trong các kỳ thi vào ĐH từ trước đến nay. Một điểm nổi bật khác của kỳ thi chính là sự hỗ trợ của hệ thống máy tính dùng để phục vụ thí sinh tham gia thi. Có gần 8.000 máy tính sử dụng cho kỳ thi.

Đối với đề thi, theo nhà trường, các khâu chuẩn bị, thẩm định và thử nghiệm bộ đề thi đã được tập huấn rất kỹ lưỡng cho cán bộ. Trong các ngày diễn ra kỳ thi, thí sinh đã chủ động, nghiêm túc, thích ứng tốt với hình thức thi này. Theo nhà trường, cách thức thi trên máy tính đã giúp hạn chế tối đa các tiêu cực trong thi cử. Thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, thí sinh có ý thức cao trong quá trình làm bài, không có em nào cố ý gây trở ngại. Đặc biệt, không còn xảy ra tình trạng thí sinh mang “phao” vào phòng thi hay gian lận thi cử khác.

Đánh giá về công tác chuẩn bị kỳ thi vừa qua, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết: “Do có thời gian để thí sinh chuẩn bị tìm hiểu, nghiên cứu về kỳ thi nên các em hoàn toàn chủ động mọi mặt về kỹ thuật, kỹ năng, kết quả thi do đó đạt tối đa kỳ vọng của các em. Kết quả tại các điểm thi cho thấy, trên 70% tổng số thí sinh đạt được điểm trung bình trở lên. Đặc biệt, có 1 thí sinh đạt 128/140 điểm. Kết quả này chứng tỏ tỉ lệ các câu hỏi khó, dễ được phân bổ hợp lý, khả năng phân hóa đề thi rất cao”.

Cũng theo ĐHQGHN, so với cách thi tuyển vào ĐH, CĐ như mọi năm, kỳ thi Đánh giá năng lực đã giảm tốn kém đối với xã hội khi lệ phí thi chỉ có 100.000đồng/thí sinh. Đa số thí sinh không phải tốn tiền thuê nhà nghỉ trong ba ngày, vì chỉ thi một buổi biết kết quả luôn rồi về ngay. Dù mới lần đầu tổ chức, song để tạo điều kiện cho thí sinh, ĐHQGHN cũng đã tổ chức nhiều điểm thi khác nhau để hạn chế việc đi lại tốn kém, vất vả cho thí sinh.

Nên áp dụng cho kỳ thi THPT quốc gia?

Không thể phủ nhận, kỳ thi đánh giá năng lực vừa qua là một thành công bước đầu của ĐHQGHN trong nỗ lực đổi mới thi cử theo hướng ngày càng khách quan, chính xác, minh bạch, thuận tiện, đỡ tốn kém, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và cả xã hội. Suốt trong quá trình diễn ra kỳ thi, thí sinh và người nhà hài lòng với kỳ thi tiên tiến trên thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Đánh giá về kỳ thi của ĐHQGHN, PGS Văn Như Cương cho rằng: “Hiện nay chúng ta đang hướng tới một kỳ thi tương đối ổn định, tôi nghĩ tổ chức theo hướng của ĐHQGHN là phù hợp, thay cho cách thi hiện nay chia cụm, phân biệt thi tốt nghiệp, thi ĐH khá rắc rối, gây lãng phí. Qua các câu hỏi của kỳ thi năng lực, chúng ta đánh giá được nhận thức của các em nói chung về bộ môn, cũng như kích thích sáng tạo của các em. Điều này phù hợp với chủ trương dạy và học theo năng lực, chương trình theo hướng tích hợp môn học mà chúng ta đang xây dựng”.

GS.TS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN được tổ chức khá gọn gàng, thành công. Ưu điểm lớn nhất của kỳ thi là toàn bộ các câu hỏi đều soạn theo phương pháp trắc nghiệm, điều này đảm bảo thời gian thi ngắn, việc chấm thi cũng khách quan hơn do chấm bằng máy thay vì phụ thuộc vào trình độ người chấm thi. Đây là kinh nghiệm rất tốt cho Bộ GD&ĐT trong tổ chức đề thi của tới đây. Nếu có thể sẽ áp dụng trong kỳ thi quốc gia năm sau”.

Dù vẫn còn nảy sinh một số sự cố như, máy tính bị hỏng, không đăng nhập được vào hệ thống… dẫn đến một số ít thí sinh phải lùi sang buổi thi khác. Tuy nhiên, kỳ thi được nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đánh giá cao, làm tiền đề để Bộ GD&ĐT xem xét, cải tiến nhằm thay thế cho kỳ thi THPT quốc gia vào các năm tới.

 

“Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN sắp tới và cả các năm sau, chúng tôi tiếp tục bổ sung, điều chỉnh ở các khâu như phần mềm, quy chế thi, cấu trúc đề thi… Đặc biệt, về phần đề thi, có thể trong các năm sau, trường sẽ đưa nội dung câu hỏi xã hội không có trong chương trình học vào đề thi để mở rộng kỹ năng của thí sinh. Trung tâm khảo thí của ĐHQG HN sẽ tổ chức thường xuyên nhiều đợt thi trong năm theo kế hoạch để cấp chứng nhận kết quả đánh giá năng lực. Thí sinh dùng các chứng nhận kết quả đó ứng tuyển vào các ngành đào tạo”.

(PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQGHN)

Quang Anh/Báo Gia đình & Xã hội

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]