Phẩm giá của nhà nghiên cứu

Gần đây, khi đứng trước những sự kiện đời sống xã hội cần đến sự bình phẩm, thẩm định của chuyên gia, người ta thường đề cao yếu tố độc lập trong phát ngôn khoa học.

15.5986

Độc lập ở đây được hiểu theo nghĩa: Về quan điểm khoa học được phát ngôn và về tư cách, phẩm chất làm khoa học của cá nhân chuyên gia.

Vấn đề là liệu có thể tìm đâu ra những nhà nghiên cứu độc lập đáp ứng nhu cầu trí thức cho cộng đồng?

Cơ chế hành chính, đời sống công chức đang chi phối rất nhiều đến “nền nếp”, cách hành xử và phẩm giá của người nghiên cứu khoa học. Ở đó, chức danh nhà nghiên cứu gắn với các trường, trung tâm, viện hoạt động trong chế độ công; theo họ là những bảng tiểu sử học thuật dài dằng dặc có giá trị bảo chứng.

Nhà nghiên cứu trong môi trường nghiên cứu công - tạm gọi ăn lương để nghiên cứu - như thế chắc chắn có nhiều thuận lợi trong việc kiếm đề tài, dự án, thu thập tư liệu học thuật, hỗ trợ của đồng nghiệp...; trong khi điều bất lợi là tính năng động, chủ động và khả năng tự quyết trong hành xử khoa học. Những phát ngôn khoa học của anh ta gắn liền với cơ quan công tác và như thế, ít nhiều bị liên đới trách nhiệm bởi uy tín vô hình của một tập thể, tổ chức; lắm khi là bị ràng buộc bởi cơ chế phát ngôn riêng của đơn vị đang ăn lương.

Muốn độc lập thật sự trong trường hợp trên dù muốn, cũng khó.

Trong một số sự kiện xã hội bị coi “nhạy cảm”, truyền thông đã rất khó khăn khi tìm kiếm những chuyên gia độc lập lên tiếng. Thông thường, câu trả lời của giới nghiên cứu trong viện nọ, trung tâm kia vẫn là khó xử vì giằng xé giữa một bên là trách nhiệm trí thức với xã hội, một bên là sự bảo trọng bản thân trong môi trường công việc và nghiên cứu. Và cuối cùng là dè dặt, là kêu gọi sự thông cảm.

Đó là hệ lụy của một mặt là cơ chế công chức hóa, một mặt khác là điều kiện xã hội và học thuật chưa đủ màu mỡ cho các hoạt động dân sự trong nghiên cứu phát triển.

 

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân và công trình tập hợp các bài nghiên cứu của ông: Hoàng Sa - Trường Sa nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc. Ảnh: Internet

 

Trong diễn từ nhận Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2015 cho hạng mục nghiên cứu, nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân - người đã có hàng chục năm khảo cứu, dịch thuật và công bố những tài liệu sử học quan trọng của Trung Quốc viết về biển Đông - đã nêu ra tính 2 mặt của hoạt động nghiên cứu độc lập. Theo ông, ở vị thế độc lập sẽ có 3 điều hay: không phải họp hành, giao tiếp lễ lạt để dành trọn vẹn thì giờ cho việc đọc sách, giữ được mạch suy nghĩ; chủ động với công việc, thời gian và có thể tự chọn lĩnh vực; chủ động về tổ chức cấu trúc, quy trình làm việc. Nhưng với kinh nghiệm của một nhà nghiên cứu đứng ở ngoại vi cơ chế công, ông cũng nhận thấy nhiều trở ngại, trong đó có trở ngại về tìm kiếm tư liệu.

“Thứ nhất là chuyện giải quyết nhu cầu cuộc sống cơ bản, giải quyết được vấn đề này thì kế đến là tài liệu sách vở. Tư liệu không phong phú dồi dào thì kiến thức hạn hẹp, làm sao nghiên cứu sâu (...). Trở ngại vừa lớn vừa khó là việc tìm tài liệu ở thư viện công, nước ta trước giờ nói chung là khắt khe đối với những người không thuộc cơ quan nghiên cứu công, nên đã một thời gian dài tôi không được tham khảo nguồn này...” - ông Quân nói.

Làm sao hạn chế những trở ngại trong tiếp cận học thuật và thúc đẩy nhiều hơn những thuận lợi để những hoạt động nghiên cứu độc lập được phát triển tốt hơn, lấp dần những khoảng trống trong khoa học, giúp các chuyên gia giữ tròn phẩm giá của người nghiên cứu trước đời sống mà anh ta dự phần - điều mà nếu tồn tại an toàn ở cơ chế công, anh ta khó lòng làm được.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]