Phạm Tuấn Tú thể hiện sự nhập nhằng giới tính trong tác phẩm

15.5883

Các bức tranh ở triển lãm "Nhập nhằng - Affitta" của Phạm Tuấn Tú đều vẽ một người có thân hình phụ nữ nhưng mang khuôn mặt của đàn ông.

Triển lãm Nhập nhằng - Affitta diễn ra tại Nguyên Art Gallery (trưng bày tới hết ngày 27/10) giới thiệu 40 tác phẩm của họa sĩ Phạm Tuấn Tú. Đây là thành quả suốt bảy năm hoạt động nghệ thuật của anh khi theo đuổi một đề tài sáng tác

Tác phẩm "Chúng ta về đâu" trưng bày tại triển lãm.

Từ "Affitta" trong tiếng Italy nghĩa là "cho thuê", còn "Nhập nhằng" là một từ chỉ trạng thái mơ hồ, không rõ ràng, nửa nọ nửa kia, có xu hướng dẫn đến hỗn độn và rối loạn.

Năm 2008, Phạm Tuấn Tú bắt đầu sáng tác với hình ảnh một người đàn bà mang khuôn mặt đàn ông. Năm 2010, bốn tác phẩm với hình ảnh nửa đàn ông nửa đàn bà của anh đã được trao giải thưởng Tài năng Hội họa của Quỹ CDEF. Một vài triển lãm nhóm trước đây Phạm Tuấn Tú tham gia cũng trưng bày những bức vẽ có hình tượng ấy. Nhưng đây là lần đầu tác giả giới thiệu nhiều tác phẩm cùng chủ đề, mang tới cái nhìn đầy đủ hơn về nghệ thuật, phong cách của mình.

Nhân vật trong tranh của Phạm Tuấn Tú thường mặc trang phục của nữ (nội y, váy cô dâu, áo khoác hay tấm voan, khăn trùm dùng trong ngày cưới), mang khuôn mặt của đàn ông, gầy guộc, trơ khốc với ánh mắt ám ảnh, thân thể uốn éo. Cùng là một người, với các không gian chật hẹp, nhưng không bức nào lặp lại trạng thái hay nội dung bức nào. Mỗi tác phẩm mang tới một cách nhìn, cách hiểu, một cảm xúc khác nhau cho người xem.

Có được cảm giác ấy, có lẽ bởi nghệ sĩ không chỉ thể hiện sự nhập nhằng của vẻ ngoài, giới tính nhân vật. Anh họa cả sự nhập nhằng trong nội tâm, thế giới tâm linh. Các hình hài trong tranh Phạm Tuấn Tú đều uốn éo, nửa như làm duyên, nửa như lãnh cảm. Những nhân vật ấy lơ đãng và vô định, dường như không có mối liên hệ với trần thế. Thân thể và cái đầu thường xuyên thể hiện ra trạng thái đối lập nhau. Một cái đầu mượn tạm một thân thể, hoặc một thân thể mượn tạm một cái đầu chẳng bao giờ biểu hiện cùng một trạng thái cảm xúc.

Dường như tác giả có sự ám ảnh mạnh mẽ với cái chết nên tác phẩm của anh mang không khí u ám, rùng rợn. Tông màu chủ đạo trong các bức tranh đều là sắc xám lạnh lẽo. Chưa kể các chi tiết được đặt khắp nơi báo hiệu cái chết như một cây thập tự đặt cạnh bia đá, con búp bê cụt đầu, con cú báo điềm xấu...

Đặc biệt trong triển lãm, Phạm Tuấn Tú trưng bày bốn bức tranh lụa. Anh cho lồng tranh vào khung, đặt phía sau tranh một tấm gương. Sự soi chiếu hình ảnh lên tấm gương, rồi từ gương phản chiếu ngược lại nền tác phẩm mang tới cảm giác nhập nhằng về hình ảnh mà mắt ta trông thấy. Xét ở góc độ nghệ thuật, bốn tác phẩm này gây ấn tượng đặc biệt về mặt thị giác.

Tác phẩm "Phiêu linh" bằng chất liệu lụa, phía sau mặt tranh là tấm gương phản chiếu hình ảnh. Nếu nhìn trực diện, tác phẩm gây ấn tượng mạnh về thị giác.

Nghệ sĩ Phan Tường Linh nhận xét: "Xem tranh của Tuấn Tú không đơn thuần xét về góc độ giới tính. Sự nhập nhằng của vẻ bên ngoài, nội tâm, tâm linh là một phần trong quá trình sáng tác nhưng không hẳn là nhân tố quyết định... với bút pháp trộn lẫn sự giễu cợt, vẻ cao ngạo pha lẫn cô độc để kể về những câu chuyện giữa người với người, có thể rất nhân bản, hoặc rất lạnh lẽo bi ai".

Họa sĩ Phạm Tuấn Tú sinh năm 1981, từng nhận được nhiều giải thưởng như: giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010, Giải thưởng tại Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Trẻ trong lĩnh vực Hội họa 2010, cuộc thi Chân dung tự họa (Dogma Prize 2012), Giải thưởng triển lãm khu vực 1 năm 2012 của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh cũng tham gia nhiều triển lãm nhóm trong nước, có tranh trưng bày tại triển lãm ở Đan Mạch, Indonesia.

Lam Thu

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]