Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh

Bệnh "cúm" nguy hiểm hơn so với "cảm lạnh". Chứng cảm lạnh thông thường có diễn biến chậm hơn và không bị biến chứng vào phổi

15.5888
Viện Giám sát Cúm châu Âu mới đây khuyến cáo những người nghi mắc bệnh cúm cần phân biệt rõ các biểu hiện "cảm lạnh và "cúm" theo đúng nghĩa y học.

Theo Giáo sư Koos van der Velden, làm việc tại Viện Giám sát Cúm châu Âu, cúm là một bệnh lý do virus có tên influenza (thể A hoặc B) gây ra, có thể gọi là "cúm dịch".

Người mắc cúm dịch thường sốt cao đột ngột, kèm theo ho khan dữ dội, nhức đầu, đau nhức cơ toàn thân, cảm giác lạnh và mệt mỏi. Một khi nhiễm cúm, người bệnh sẽ nhanh chóng kiệt sức, không thể đi lại được.

Trong khi đó, cảm lạnh là một phản ứng của cơ thể với thời tiết lạnh mà nhiều người vẫn nhầm lẫn là bệnh cúm. Người bị cảm lạnh thường có biểu hiện xổ mũi và ho có đờm.

Trên thực tế, bệnh "cúm" nguy hiểm hơn rất nhiều lần so với chứng "cảm lạnh". So với cúm dịch, chứng cảm lạnh thông thường có diễn biến chậm hơn và không bị biến chứng vào phổi.

Các nghiên cứu của Viện Giám sát Cúm châu Âu còn cho thấy chứng cảm lạnh thường xảy ra vào đầu tháng 9 ở đối tượng là trẻ em, trong khi bệnh cúm dịch lại bắt đầu sớm nhất vào tháng 12 và kéo dài không quá từ 5 đến 8 tuần. Đối tượng dễ mắc bệnh cúm nhất là thanh thiếu niên.




Tuy nhiên, ở độ tuổi này, bệnh cúm thường được chữa trị dễ dàng và không để lại di chứng. Những người ở tuổi trung niên trở lên, mặc dù khó nhiễm bệnh hơn, nhưng khi mắc lại thường là những ca phức tạp, có nguy cơ tử vong rất cao. Chính vì vậy, một khi có các biểu hiện cúm, người bị bệnh cần được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cho đến nay, cách phòng chống cúm dịch hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắcxin, nhưng theo các nhà chuyên môn, hiệu quả tiêm vắcxin cũng không phải là tuyệt đối. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu quả phòng ngừa của vắcxin cúm giảm nhanh hoặc chậm tùy theo cơ thể mỗi người.

Chính vì vậy, Giáo sư Velden khuyến cáo không nên tiêm vắcxin quá sớm trước mùa dịch cúm. Ngay cả đối với những người đã tiêm vắcxin phòng cúm vẫn có tới từ 5-40% trường hợp nhiễm cúm do không phát huy được các kháng thể cần thiết.

Đối với các trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo nên dùng các loại thuốc chống virus đặc trị với liều lượng thích hợp để tránh các biến chứng phức tạp hơn.

Theo Tuổi Trẻ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]