Phân biệt mụn thông thường và khối u ung thư

Ung thư da có biểu hiện rất phong phú, trong đó có thể u cục rất dễ nhầm với nhọt mụn chốc lở trên da.

0

Một bé gái ở Ấn Độ đang trong tình trạng nguy kịch khi bố mẹ em nghĩ khối u ung thư võng mạc mãn chỉ là mụn nhọt thông thường. Tới khi bệnh tình của em được phát hiện ra thì đã vượt tầm kiểm soát của các bác sĩ.

Trong một tình huống ngược lại, bà mẹ trẻ người Mỹ khi thấy màu mắt của cậu con trai 2 tuổi trong bức ảnh khác lạ đã cảm thấy vô cùng lo lắng. Người mẹ tìm hiểu thông tin sau đó đưa con đi khám và phát hiện ra cậu bé bị ung thư nguyên bào võng mạc. Khối u đã được các bác sĩ khẩn trương lấy ra khỏi mắt của cậu bé, tình hình khả quan hơn rất nhiều vì mẹ của bé đã phát hiện kịp thời.

Bất kỳ sự điều trị chậm trễ nào cũng có thể phải trả giá bằng tính mạng, đặc biệt là khi chủ quan hoặc không có kiến thức để nhận biết dấu hiệu của bệnh.

Bé gái Ấn Độ rơi vào tình trạng nguy kịch khi bố mẹ em nhầm lẫn khối u ung thư và mụn nhọt thông thường.

Mụn nhọt là viêm nang lông do tụ cầu trùng, tiến triển tạo thành ổ áp xe nóng và hóa mủ; ung thư da là một tình trạng phát triển bất thường của tế bào da.

Vì sao cần phân biêt sớm ung thư da và nhọt mụn?

Khối u da thường lành tính, có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Cho nên khi bị mụn nhọt trên 1 tháng chưa lành, cần cảnh giác nghĩ tới ung thư da để khám xác định và điều trị tích cực, tránh biến chứng.

Nếu bị ung thư da mà cho là nhọt mụn lâu lành, không chữa trị đúng cách, tẩm đắp các loại thuốc không chất lượng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.

Các dấu hiệu phân biệt

- Yếu tố thời gian:

Nhọt mụn hoặc chốc lở xuất hiện nhanh, đột ngột. Một vùng da sưng nóng đỏ, hóa mủ nhanh, tiến triển thành ổ áp xe, tự vỡ mủ, hoặc do chích tháo mủ, và khỏi sau 1-2 tuần. Tuy nhiên có một số trường hợp nhọt tồn tại lâu hàng tháng (nhọt bọc) là nhọt ở sâu lớp dưới da, không tự vỡ, khối nhọt bọc này mềm ở giữa xung quanh có nền xâm nhập cứng.

Ung thư da xuất hiện từ từ với các dấu hiệu cảnh báo là sự thay đổi màu sắc bất thường ở da, sau đó nổi sần lên và hình thành u cục.

- Hình dạng, màu sắc khối u:

Nhọt mụn có hình dạng đầu nhọn tương đối tròn và cân đối, (trừ trường hợp mọc thành cụm liền nhau). Ung thư da có hình dạng bất kỳ, thường không tròn, không cân đối. Nhọt mụn thường xung huyết màu đỏ hồng, ranh giới giữa nhọt và vùng da bình thường không rõ, chuyển màu dần dần. Ung thư da có ranh giới thường rõ ràng giữa vùng da lành và vùng da bị ung thư, nhất là các u hắc tố (màu đen, màu đỏ sẫm...).

Nếu nốt ruồi đổi màu sắc và hình dạng thì cần hết sức cảnh giác sự xuất hiện của khối u hắc tố.

- Vị trí:

Nhọt mụn có thể mọc ở bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, nhưng ít có ở mặt, ít có ở mặt trước cẳng chân cẳng tay, thường ở vùng da mềm kín ít được vệ sinh sạch sẽ (nách, bẹn, bụng, ngực). Ung thư da thường ở vùng da hở tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, tuy cũng có thể ở vùng da kín rất ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời (như dương vật).

- Tính chất đau:

Nhọt mụn thường đau nhức nhiều, có thể kèm theo sốt. Ung thư da hầu như không đau, bóp nắn mạnh thấy đau tức.

Phân biệt ổ viêm loét mãn tính với loét da do ung thư

Các nhọt mụn, các ổ áp-xe đôi khi vỡ hình thành ổ viêm loét mãn tính, thường ở người già, người bệnh tiểu đường, kéo dài dai dẳng hàng năm khó lành, cũng cần phân biệt với loét da do ung thư.

Ổ viêm loét mãn tính thường có bờ mềm, xung quanh có quầng viêm đỏ, ít chảy máu, chảy nhiều nước vàng.

Ổ loét da do ung thư có bờ cứng hơn, ít đau, chảy máu nhiều hơn, có hạt nhú bì. Hạt nhú bì là những hạt nhỏ màu trong hồng to nhỏ không đều, to như hạt cám, hạt vừng đến cục sùi ở đáy hoặc bờ của ổ loét.

Mụn nhọt thông thường gây đau đớn nhưng sẽ nhanh lành và không gây nguy hiểm.

Một số vị trí nhọt có tính chất nguy hiểm cần cảnh giác

- Đinh râu:

Đây là nhọt ở vùng môi trên, rãnh mũi, cằm, thường gặp ở những người có sức đề kháng kém. Nếu dùng tay nặn, gẩy (khêu, nhể) đinh râu, tụ cầu sẽ có cơ hội xâm nhập vào tĩnh mạch mặt, rồi vào tĩnh mạch xoang hang trong sọ não, gây viêm tắc tĩnh mạch xoang hang.

Vì đặc điểm da vùng này rất linh hoạt, nhiều tổ chức ống bạch huyết nếu dùng tay nặn, mủ của ổ áp-xe không đẩy ra ngoài mà gây vỡ các màng của hệ thống bạch huyết và chui sâu hơn vào tổ chức dưới da. Mặt người bệnh sẽ sưng húp, biến dạng, có thể bị sốt cao, nhiễm trùng huyết, mê man, dễ tử vong (trước đây khi kháng sinh chưa có nhiều).

- Hậu bối (bệnh than ngoài da):

Bệnh thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch, người già, tiểu đường. Đặc điểm của hậu bối là nhọt mọc nhiều thành cụm, khi vỡ ra để lại miệng mủ như gương sen, tổ ong. Da xung quanh hậu bối bầm tím, có chỗ loét, hoại tử.

Hậu bối hay mọc ở vùng lưng, gáy, xương cùng, có kích thước 6-10 cm. Người mọc hậu bối có thể bị sốt cao, đau nhức, thể trạng kém, tắc mạch, nhiễm khuẩn huyết có thể tử vong. Nếu khỏi, hậu bối cũng để lại sẹo nhăn nhúm.

- Nhọt vùng hậu môn:

Các mụn nhọt mọc quanh hậu môn, do tình trạng vệ sinh của khu vực này kém và tổ chức lỏng lẻo nhọt dễ biến chứng thành áp-xe quanh hậu môn. Nếu áp-xe sâu có thể ăn thông vào trực tràng, tạo ra lỗ rò hậu môn - trực tràng

- Lên lẹo: Là nhọt ở chân lông bờ mi mắt, khi nhọt đã ở giai đoạn lui thì mới chích mủ, không được nặn non vì có nguy cơ tạo hiện tượng viêm nhiễm mãn tính dai dẳng, khi khỏi bị ve mắt.

Theo PV - Sức khỏe và Đời sống
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]