Phản đối cách nhìn nhận trong 'Cánh đồng bất tận'

Đúng là Ngọc Tư có bản lĩnh về khả năng dùng ngòi bút, khả năng phác họa nên một bức tranh "lạ" có chiều sâu. Nhưng tôi nghĩ hoàn toàn sai khi áp nó cho con người và nông thôn miền Tây. Đúng là văn học không thể phản ánh hiện thực một cách máy móc, nhưng cũng không thể xa rời thực tế như vậy được.

15.5977

Người gửi: Tuonglai
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Canh dong bat tan

Hôm nay tôi có đọc tin về việc đề nghị kiểm điểm tác giả của 'Cánh đồng bất tận'. Trước đây tôi có nghe vài người bạn nói về tên tác phẩm tôi nhưng chưa từng xem và cũng không quan tâm lắm. Nhưng sẵn trên VnExpress có đường link nên tôi vào xem. Theo tôi đây có thể là truyện hay, về góc cạnh miêu tả và nhấn mạnh, trong đó có thể nói tác giả thành công trong việc phân tích tâm lý, xây dựng nhân vật, phát triển mạch truyện hợp lý dẫn đến cao trào.

Nhưng về mặt nội dung tôi thấy đây là một truyện hoàn toàn không có ý nghĩa, cả về mặt phê phán. Là một người miền Tây, tôi biết nhiều về các vấn đề của nông thôn miền Tây ngày nay. Ở đó vẫn còn tồn tại suy nghĩ về lối sống tự cung tự cấp. Gia đình sống nhờ vào đồng ruộng, sông nước cuối năm thu hoạch nếu có dư sẽ bán lấy tiền và mua sắm trong năm. Cuộc sống giản dị nhưng thoải mái. Hoàn toàn không có chuyện cực kỳ bế tắc như trong truyện. Tôi đọc mà cảm thấy rất bực mình. Tác giả đã có thể thành công trong việc xây dựng tâm lý nhân vật nhưng đã sai lầm khi gán ghép cho con người miền Tây. Trong các tác phẩm của Vương Hồng Sển, Sơn Nam chúng ta đều biết con người Nam bộ rất yêu đời, sảng khoái và sống rất có tình. Việc tác giả xây dựng hình ảnh của mình chỉ thể hiện một nhân vật cá biệt không thể nói đặc trưng cho xã hội được, và càng không thể cho rằng có tính xây dựng xã hội được.

Về vấn đề tệ nạn ở nông thôn miền Tây: thất học, rượu chè, làm gái (thật chua xót khi nói về vấn đề này). Tôi có một số ý kiến như sau.

Thất học là do cơ sở vật chất trường lớp ở nông thôn còn thiếu thốn, việc khuyến học không cao, các bậc cha mẹ chưa ý thức được việc thúc đẩy con cái đến trường. Nói như vậy không có nghĩa là không có người tài xuất thân từ nông thôn. Tôi có biết vài gia đình dù khó khăn vẫn gửi con lên thị xã ăn học và đã thành tài. Vấn đề cần giải quyết là tuyên truyền vận động khuyến học cho người dân nơi đây.

Rượu chè cũng là vấn nạn của thanh niên miền Tây. Nhưng cũng cần lưu ý thanh niên ở nông thôn miền Tây rất ít dính vào ma túy. Thanh niên ở nông thôn miền Tây hay nhậu một phần cũng do truyền thống nghề nông ở đây. Sáng sớm ra đồng, gặp hơi lạnh của sông nước họ uống vài ngụm rượu cho ấm người. Tối về rảnh rỗi bày ra tiệc nhậu với vài con cá bắt được trong ngày. Cuộc sống có thể gọi là đơn điệu nhưng không bế tắc và dày vò như trong tác phẩm 'Cánh đồng bất tận'.

Để giải quyết tệ nạn rượu chè tôi nghĩ cần đẩy mạnh sinh họat đoàn thể, tạo thêm việc làm và ý thức xây dựng lối sống công nghiệp mới cho các thanh niên nông thôn.

Vấn đề về phụ nữ miền Tây như Dạ Ngân đã nói là có thực. Các tụ điểm ăn chơi có tiếp viên phục vụ đa phần là con gái miền Tây, có thể nói là từ Nam chí Bắc. Vấn đề này có thể do các nguyên nhân xã hội sâu xa cần các nhà xã hội học Việt Nam phân tích và giải quyết. Nhưng theo tôi nghĩ một cách đơn giản hơn là do các đường dây cung cấp gái. Phụ nữ miền Tây có phần nhẹ dạ, cả tin nên dễ bị lừa. Cũng có người vì nghĩ đến món tiền nhiều sẽ kiếm được nên vào nghề. Vấn đề thuộc về các cơ quan pháp luật và hội phụ nữ địa phương đẩy mạnh kiểm sóat và ngăn chặn.

Đó là các vấn đề lớn của nông thôn miền Tây hiện nay, có thể những gì tôi nói là chưa chính xác, các giải pháp mà tôi nghĩ là còn thiển cận. Nhưng tôi hoàn toàn phản đối cách nhìn nhận, nêu vấn đề và xây dựng nhân vật trong tác phẩm. "Tôi tin Ngọc Tư có bản lĩnh. Không thể so sánh một tác phẩm văn học với hiện thực cuộc sống một cách máy móc". Đúng là có bản lĩnh về khả năng dùng ngòi bút, khả năng phác họa nên một bức tranh "lạ" có chiều sâu. Nhưng tôi nghĩ hoàn toàn sai khi áp nó cho con người và nông thôn miền Tây, đúng là văn học không thể phản ánh hiện thực một cách máy móc, nhưng cũng không thể xa rời thực tế như vậy được. Mong Nguyễn Ngọc Tư khi viết nên nhìn nhận cho đúng về xã hội mà mình phản ánh chứ không chỉ là những cảm xúc chủ quan như vậy. Mong được nhận thêm các ý kiến đóng góp khác của các bạn, các nhà văn khác. Cám ơn tòa soạn.

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]