Phân loại đáp ứng điều trị - Một nhiệm vụ cần thiết trong điều trị bệnh sốt rét

Qua kiểm tra tình hình khám chữa bệnh tại một số bệnh viện, mặc dù Bộ Y tế ban hành quyết định hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét đã chỉ đạo việc theo dõi kết quả điều trị,

0

Qua kiểm tra tình hình khám chữa bệnh tại một số bệnh viện, mặc dù Bộ Y tế ban hành quyết định hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét đã chỉ đạo việc theo dõi kết quả điều trị, trong đó có nội dung phân loại đáp ứng điều trị nhưng các cơ sở điều trị đã không chú ý thực hiện đầy đủ quy định này.

Phân loại đáp ứng điều trị và xử trí sau khi phân loại

 Khám và điều trị cho bệnh nhân sốt rét. Ảnh: TL
Muốn phân loại đáp ứng điều trị khi điều trị bệnh nhân sốt rét thì phải theo dõi các diễn biến triệu chứng trên lâm sàng và kết quả xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét trong quá trình điều trị.

Để theo dõi các diễn biến triệu chứng trên lâm sàng và kết quả xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét, thông thường tối thiểu cần lấy mốc thời gian vào ngày đầu tiên trước khi điều trị và ngày thứ ba trong điều trị làm cơ sở xác định. Nếu trong 3 ngày điều trị bệnh mà bệnh nhân vẫn sốt, tình trạng bệnh xấu đi và vẫn còn ký sinh trùng sốt rét, bệnh có diễn biến nặng hơn thì xem lại khả năng đáp ứng của loại thuốc đang sử dụng điều trị. Nếu trong 3 ngày điều trị mà bệnh nhân vẫn sốt, tình trạng bệnh xấu đi và không còn ký sinh trùng sốt rét thì tìm nguyên nhân gây bệnh khác kèm theo bệnh sốt rét để xử trí.

Kết quả xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét phải theo dõi tối thiểu bằng một bộ 3 lam máu: lam máu thứ nhất được lấy từ ngày đầu tiên trước khi điều trị để chẩn đoán xác định (lam máu ngày D0), lam máu thứ hai được lấy sau 2 ngày điều trị (lam máu ngày D2) và lam máu thứ ba được lấy sau 7 ngày điều trị (lam máu ngày D7) nhằm đánh giá nhanh hiệu lực của thuốc sốt rét đang được sử dụng điều trị cho bệnh nhân. Nếu có điều kiện, ngoài bộ 3 lam máu tối thiểu đã thực hiện, cần phải lấy thêm 3 lam máu khác của bệnh nhân vào các tuần tiếp theo (ngày D14, ngày D21 và ngày D28 sau điều trị) để có đủ cơ sở phân loại cụ thể.

Theo dõi diễn biến triệu chứng trên lâm sàng và kết quả xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét với các dẫn liệu thu thập được như ở trên sẽ giúp cho việc kết luận phân loại đáp ứng điều trị rõ ràng như sau:

Điều trị thất bại sớm: Từ ngày đầu tiên cho tới ngày thứ 3 sau điều trị (ngày D2), các triệu chứng lâm sàng không giảm hoặc nặng lên và còn ký sinh trùng sốt rét trong máu do ký sinh trùng đã kháng thuốc ở mức độ cao (kháng độ RIII). Trường hợp này cần xem xét lại liều lượng thuốc, khoảng cách dùng thuốc của bệnh nhân cũng như sự hấp thu và chuyển hóa không tốt của thuốc trước khi kết luận sự điều trị thất bại sớm do khả năng đáp ứng kém của thuốc đang sử dụng, ký sinh trùng sốt rét tăng khả năng chịu đựng hoặc đã kháng thuốc để xử lý bằng cách thay thế loại thuốc sốt rét khác có hiệu lực cao hơn.

Điều trị thất bại muộn: Mặc dù trong 3 ngày đầu điều trị, bệnh nhân có kết quả đáp ứng tốt (hết sốt và không còn ký sinh trùng sốt rét) nhưng từ ngày thứ 4 đến ngày 28 sau điều trị, bệnh nhân bị sốt trở lại và ký sinh trùng sốt rét cùng chủng loại cũng xuất hiện trở lại trong máu. Muốn xác định được trường hợp điều trị thất bại muộn, ngoài theo dõi triệu chứng cơn sốt trên lâm sàng trong thời gian trên, cần xem xét kết quả phát hiện ký sinh trùng sốt rét xuất hiện trên lam máu xét nghiệm vào các ngày D7, D14, D21 và D28 để bổ sung cơ sở khẳng định. Vì vậy, các lam máu được xét nghiệm vào các ngày D7, D14, D21 và D28 là rất cần thiết để làm căn cứ xác định nhưng cơ sở điều trị đã không chú ý thực hiện đầy đủ dù chỉ mấy lam máu vào ngày D7 trước khi bệnh nhân xuất viện. Các trường hợp điều trị thất bại muộn được phát hiện khi bệnh nhân quay trở lại cơ sở y tế vì bị sốt sau khi xuất viện trong thời gian từ ngày thứ 4 đến ngày 28. Tình trạng này có khả năng do ký sinh trùng sốt rét đã kháng lại với loại thuốc sốt rét đang được sử dụng điều trị với mức độ kháng thấp hơn (kháng độ RI và độ RIII), cần thay thế bằng loại thuốc sốt rét khác có hiệu lực cao hơn để đáp ứng kết quả điều trị.

Điều trị khỏi bệnh: Xác định điều trị khỏi bệnh khi bệnh nhân hết các triệu chứng lâm sàng, sạch ký sinh trùng sốt rét sau 3 ngày điều trị và ký sinh trùng sốt rét không xuất hiện trở lại trong máu cho đến ngày thứ 28. Như vậy xác định bệnh nhân điều trị khỏi bệnh theo quy định phải theo dõi kết quả xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét trong máu của bệnh nhân cho đến ngày thứ 28 sau khi xuất viện. Trên thực tế, với 5-7 ngày điều trị, bệnh nhân có thể hết các triệu chứng trên lâm sàng, sạch ký sinh trùng sốt rét nhưng do chỉ tiêu giường bệnh hoặc định mức về thời gian nằm viện, bệnh nhân được cho về nhà nhưng cán bộ y tế chưa thể khẳng định được đã điều trị khỏi bệnh, bệnh án cũng không nên ghi kết luận này vì chưa có cơ sở căn cứ. Do đó các lam máu xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng sốt rét cùng chủng loại xuất hiện trở lại trong máu bệnh nhân vào các ngày D7, D14, D21 và D28 là rất cần thiết để khẳng định. Cán bộ y tế cần thận trọng trong kết luận đã điều trị khỏi bệnh ở bệnh án khi bệnh nhân xuất viện vì có khả năng bệnh nhân sẽ nhập viện trở lại do trường hợp điều trị thất bại muộn đã nêu ở trên.

Tăng cường kiểm tra việc phân loại đáp ứng điều trị

Một số cơ sở khám chữa bệnh hiện nay chưa thực hiện đầy đủ việc phân loại đáp ứng điều trị theo quy định của Bộ Y tế nên khi khảo sát, đánh giá không xác định được sự thành công hay thất bại của các trường hợp bệnh nhân sốt rét đã được điều trị. Thực tế mỗi bệnh nhân sốt rét chỉ được xét nghiệm máu từ 1-2 lần, chủ yếu là lần đầu tiên để phát hiện bệnh; các ngày sau đó hầu như không thực hiện nên kết quả các lam máu không có để xác định. Ngoài theo dõi các triệu chứng trên lâm sàng, việc cần thiết và cơ bản nhất mà các cơ sở khám chữa bệnh cần phải thực hiện tối thiểu là lấy được 3 lam máu của bệnh nhân sốt rét vào 3 ngày D0, D2, D7. Nếu có điều kiện, hẹn bệnh nhân đi khám theo các ngày quy định để lấy thêm 3 lam máu tiếp theo vào 3 ngày D14, D21 và D28 để có cơ sở cụ thể phân loại. Cấp lãnh đạo trực tiếp của các bộ phận khám chữa bệnh các cơ sở y tế cần quan tâm tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện này theo hướng dẫn của Bộ Y tế để nâng cao chất lượng công tác điều trị bệnh sốt rét, góp phần hạn chế tử vong.

Tại sao phải theo dõi đáp ứng điều trị?
      Không phải riêng bệnh sốt rét mà tất cả các loại bệnh khác trong quá trình điều trị, cán bộ y tế có trách nhiệm theo dõi việc đáp ứng điều trị với biện pháp can thiệp của mình. Điều căn bản của việc theo dõi này là xác định xem bệnh nhân đáp ứng xấu hay tốt với việc điều trị, giải pháp điều trị thất bại hay thành công, bệnh nhân không khỏi bệnh hay đã khỏi bệnh... để can thiệp bổ sung các biện pháp cần thiết với mong muốn làm chuyển biến tốt tình hình bệnh tật và cải thiện sức khỏe của bệnh nhân trong thời gian ngắn. Nếu cán bộ y tế không theo dõi được đáp ứng điều trị đối với các bệnh nhân sốt rét thì không thể xác định được kết quả điều trị thành công hay thất bại.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
(GĐ TTPCSR-KST-CT Thừa Thiên Huế)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]