Phân vi sinh giá rẻ cho cây sắn– hiệu quả cao về môi trường

Ngày 31/5 đã diễn ra hội thảo về dự án “Phân vi sinh giá rẻ cho cây sắn” đã được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Công ty TNHH một thành viên thương mại Quảng Trị (CTTMQT) phối hợp tổ chức.

15.5869

CôngThương - Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Xuân Hiếu- Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại Quảng Trị- cho biết, với chiến lược kinh doanh đa ngành đa lĩnh vực, hướng về nông thôn nông dân, năm 2004 công ty thành lập Nhà máy tinh bột sắn tại huyện vùng núi Hướng Hóa với công suất ban đầu 60 tấn sản phẩm/ngày.

Khó khăn ban đầu nhà máy gặp phải là người dân chưa có thói quen sản xuất thành hàng hóa mà chỉ canh tác nhỏ lẻ, trồng sắn trên đất bạc màu, đốt rừng làm rẫy… gây ô nhiễm nặng môi trường. Với chủ trương phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, tháng 3/2010 công ty đã tiếp xúc với dự án VCF xây dựng nhà máy làm phân vi sinh giá rẻ, song song đó là hoạt động tư vấn, tuyên truyền người dân nơi đây thay đổi tập quán canh tác du canh du cư mà bón phân tăng năng suất.

Bằng cách làm như vậy, ban đầu chỉ có 200 hộ tham gia bón phân vi sinh đến nay đã tăng lên 1.800 hộ với gần 9.000 người. Kết quả chỉ hơn 2 năm triển khai dự án đã tác động tích cực đến hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường. Diện tích cấy sắn từ 200 ha năm 2004 đến nay sau 8 năm tăng lên trên 5.000ha, nhưng quan trọng nhất là năng suất cây sắn từ 17- 18 tấn/ha đã tăng lên trên 22 tấn/ha, doanh thu bình quân tăng thêm 20 triệu đồng/ha so với trước khi bón phân vi sinh.

Điều đáng quan tâm hơn là từ việc ứng dụng phân bón vi sinh vào trồng sắn, Nhà máy tinh bột sắn đã tập hợp được các nông hộ thành lập các tổ đội sản xuất hỗ trợ nhau trong thu hoạch. Từ đó tình trạng mạnh ai nấy thu hoạch, thu hoạch bừa bãi, nhổ tràn lan không đảm bảo thời vụ chấm dứt đồng thời giúp nhà máy đảm bảo kế hoạch sản xuất, thu mua tận chân ruộng, thu mua ngay trong ngày không để dồn ứ, kiểm soát được chất lượng, dịch bệnh; tiền đến các hộ dân không qua khâu trung gian… Vì vậy, ở thời điểm này nhiều nhà máy sắn khu vực miền Trung- Tây nguyên đã đóng máy, hết nguyên liệu nhưng Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa vẫn sản xuất 3 ca liên tục, đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất 9-10 tháng/năm (các nơi khác chỉ 6-7 tháng/năm). Sản lượng sắn củ tươi từ 56.983 tấn niên vụ 2008- 2009 đến nay tăng lên gần gấp đôi với 108.068 tấn

Nói về dự án phân vi sinh giá rẻ, ông Andrew Head- Phó giám đốc quốc gia Ngân hàng ADB- cho biết, tổng dự án là 11 tỷ đồng, trong đó ADB hỗ trợ 32% (3,5 tỷ đồng) và dự án đã thành công ngoài mong đợi, được người dân đánh giá cao. Việc sử dụng phân vi sinh bón lót cho cây sắn đã giảm thiểu ảnh hưởng môi trường, góp phần tăng năng suất, xóa đói giảm nghèo, giúp đồng bào dân tộc thiểu số Hướng Hóa, Đắc Rông cải thiện đời sống.

Còn ông Buddhika Samrasinghe- Trưởng nhóm tư vấn dự án M4P2- cho biết, chỉ trong vòng 10 năm từ 2000 đến 2010 diện tích trồng sắn trong nước đã liên tục mở rộng, từ 237.600 ha đã tăng lên 560.400ha, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu lớn nhất các sản phẩm chế biến từ cây sắn. Ông lưu ý, diện tích phát triển nhưng năng suất không cao chỉ từ 8,36 tấn/ha đến 16,9 tấn/ha nên việc dùng sản phẩm phân vi sinh là điều kiện tối quan trọng để nâng năng suất, tăng thu nhập cho người dân. Ông chứng minh mới đây qua khảo sát ngẫu nhiên của Quỹ thách thức Việt Nam (VCF) ở 37 nông hộ ở Hướng Hóa (Quảng Trị) trồng 60ha sắn có sử dụng phân vi sinh, đạt tổng thu nhập 2,5 tỷ đồng, năng suất đạt 22,7 tấn/ha cao hơn nhiều lần các tỉnh thành khác.

Hiệu quả của việc bón phân vi sinh giá rẻ đã được rất nhiều nhà máy sắn khác quan tâm, ông Ngô Văn Hòa- Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Tây Ninh- cho rằng: Nơi nào cũng lựa đất xấu để trồng sắn, nói trồng sắn là phá đất… nhưng với việc bón phân vi sinh giá rẻ đã chứng minh đây là nhà máy không bóc lột đất mà còn bồi bỗ thêm cho đất, đảm bảo không ô nhiễm môi trường.

Còn ông Mai- Phó Tổng giám đốc Nhà máy sắn Đắc Lắc- cũng quan tâm không kém, ông cho biết với 10.000ha trồng sắn (gấp đôi Nhà máy sắn Hướng Hóa), Đắc Lắc cũng chỉ đạt năng suất 50.000SP tinh bột/năm tức khoảng 160.000 tấn củ tươi. Với chất thải từ sắn các nhà máy đều sử dụng để làm hầm bioga nhưng một giải pháp biến rác thải từ võ gỗ là một trong những chất thải rắn của quá trình chế biến tinh bột sắn trở thành phân vi sinh giá rẻ là giải pháp hiệu quả rất cao chỉ có ở Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa (Quảng Trị) cần nhân rộng.

Từ hiệu quả của dự án phân vi sinh bón lót cho cây sắn, Nhà máy tinh bột sắn Sepon (Quảng Trị) đã đạt giải 3 Vifotec toàn quốc lần thứ 11 và được ADB chọn báo cáo điển hình “Giải pháp chế biến rác thải thành phân vi sinh” cho khối Asean tháng 6/2012 sắp đến. Nói về kế hoạch sắp đến, ông Hồ Xuân Hiếu cho biết, nếu nói về lợi nhuận thì nguồn thu từ bán phân vi sinh không đủ bù chi phí nhưng quan trọng hơn hết chính là năng suất tăng lên, công ty thu lợi từ cây sắn là chủ yếu. Vì vậy, công ty đã có kế hoạch nâng công suất nhà máy phân vi sinh hiện nay từ 5.000 tấn/năm lên 8.000 tấn/năm, cung cấp cho gần 9.000 hộ trồng sắn và khoảng 2.000 hộ trồng các loại cây công nghiệp khác.                                                                                       

Trần Minh Tích

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]