Phát hiện mới về bệnh tự kỷ

(NLĐO) - Em bé đã lên 1 tuổi mà không có phản xạ với tên mình có thể là tín hiệu cảnh báo sớm về căn bệnh tự kỷ hoặc là triệu chứng của các nguy cơ bệnh thần kinh khác đang phát triển. Đây là nội dung của một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học California David (Mỹ) vừa được công bố trên tạp chí Thuốc của người lớn và trẻ em (Archives of Pediatrics and Adolescent Medicine) số ra tháng 4-2007.

0
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã nghiên cứu 101 em bé 1 tuổi bị coi là có nguy cơ cao mắc bệnh tự kỷ vì có anh, chị ruột bị bệnh và 46 em khác cùng lứa tuổi được cho là có ít nguy cơ mắc bệnh. Các nhà khoa học đã để mỗi em bé ngồi ở một cái bàn với các thứ đồ chơi nhỏ, sau đó đứng đằng sau lưng gọi rõ ràng tên của từng em. Em bé nào không có phản xạ sau 3 giây, tên sẽ được gọi lại lần thứ 2. Kết quả cho thấy tất cả 46 em ở nhóm thứ hai đều có phản xạ đáp lại ngay trong lần đầu hoặc lần gọi tên thứ hai, trong khi ở nhóm thứ nhất chỉ có 86% số em làm được điều này. Hai năm sau, các nhà khoa học tiếp tục theo dõi 46 em ở nhóm thứ nhất và 25 em ở nhóm thứ hai. Họ nhận thấy có 3/4 số trẻ không có phản xạ với tên gọi của mình khi 1 tuổi đã xuất hiện các triệu chứng thần kinh không bình thường khi lên 2 tuổi. Một nửa số trẻ em mà sau này được chẩn đoán bị tự kỷ đã không có phản xạ tương ứng trong lần kiểm tra khi các em 1 tuổi. Theo TTXVN, phát hiện trên rất có ý nghĩa vì việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh tự kỷ mang lại cơ hội can thiệp sớm để có thể cải thiện tình trạng bệnh tật.

Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Harvard (Mỹ) cũng được công bố trên tạp chí nêu trên, mỗi người tự kỷ sẽ tiêu tốn 3,2 triệu USD tiền ngân sách của nước Mỹ trong suốt cuộc đời họ cho việc chữa trị.

B.T.L
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]