Phát hiện sớm bệnh gút

Gút là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa nhân purin của tế bào, có thể nói nôm na là rối loạn chuyển hóa đạm, được đặc trưng bởi sự tăng cao quá mức acid uric trong máu và trong các mô của cơ thể. Các tinh thể urat lắng đọng vào màng hoạt dịch của khớp gây nên viêm khớp vi tinh thể với những triệu chứng rất đặc trưng.

31.2471

Gút là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa nhân purin của tế bào, có thể nói nôm na là rối loạn chuyển hóa đạm, được đặc trưng bởi sự tăng cao quá mức acid uric trong máu và trong các mô của cơ thể. Các tinh thể urat lắng đọng vào màng hoạt dịch của khớp gây nên viêm khớp vi tinh thể với những triệu chứng rất đặc trưng.

Các khó khăn chính gặp phải khi chẩn đoán bệnh gút

Tổn thương khớp, biểu hiện của bệnh gút (phim Xquang).

Khi bệnh ở thể điển hình thì có thể phát hiện được không mấy khó khăn. Chẩn đoán bệnh hiện nay vẫn dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán quốc tế của Hội thấp khớp học Hoa Kỳ 1968. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, chẩn đoán gút còn gặp nhiều khó khăn. Có 3 nguyên nhân chính gây khó khăn cho công tác chẩn đoán. Thứ nhất, đây là bệnh khá mới nên ngay cả cán bộ y tế vẫn còn lúng túng khi chẩn đoán và điều trị bệnh. Nhiều cơ sở y tế lại chưa có khả năng làm các xét nghiệm cần thiết như chọc dịch khớp, xét nghiệm acid uric máu... nên bỏ qua, không chẩn đoán được bệnh. Nguyên nhân thứ hai là bệnh có rất nhiều biểu hiện và nhiều thể bệnh khác nhau, nên dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Nguyên nhân thứ ba là tình trạng lạm dụng thuốc bừa bãi hiện nay. Bệnh nhân được dùng quá nhiều loại thuốc nên mất hết triệu chứng, khiến chẩn đoán trở nên rất khó khăn. Có nhiều bệnh nhân gút vào viện với các biến chứng nặng nề do lạm dụng thuốc như đái tháo đường, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não.

Các hiểu biết giúp cho chẩn đoán bệnh chính xác

Chú ý đến đối tượng và lứa tuổi hay mắc bệnh: Bệnh chủ yếu gặp ở nam giới trưởng thành. Tuyệt đại đa số các bệnh nhân gút là nam giới. Nam dễ bị bệnh, có thể do lối sống, chế độ ăn uống (rượu, bia) và vấn đề di truyền. Về tuổi: bệnh thường gặp nhất ở độ tuổi 40-60. Ở nữ giới bệnh thường xảy ra sau thời kỳ mãn kinh.

Các biểu hiện chính của bệnh gút giúp ích cho việc chẩn đoán: Để phát hiện sớm được bệnh gút, cần chú ý đến 3 biểu hiện lâm sàng chính của bệnh gồm các tổn thương khớp, xuất hiện hạt tophi và tổn thương thận. Biểu hiện đặc trưng đầu tiên của bệnh gút là các viêm khớp cấp tính do gút. Cơn xuất hiện đột ngột, thường vào ban đêm. Khớp hay bị tổn thương là các khớp ở chi dưới: gối, cổ chân và đặc biệt là ngón chân cái... Khớp bị tổn thương đau ghê gớm, bỏng rát, đau làm mất ngủ, da trên vùng khớp hay cạnh khớp sưng nề, có màu hồng hoặc đỏ. Thường kèm theo cảm giác mệt mỏi, đôi khi sốt 38-38,5oC, có thể kèm rét run. Một đặc điểm nữa là khi uống thuốc colchicin thì bệnh nhân thấy giảm đau khớp nhanh trong vòng 48-72 giờ. Các đợt viêm khớp này có thể tự khỏi sau khoảng 1-2 tuần. Sau đó lại xuất hiện các đợt viêm khớp mới. Khi tiến triển lâu dài thì bệnh chuyển sang giai đoạn mới. Đó là gút mạn tính. Các khớp bị sưng đau thường xuyên, dần dần bị biến dạng, cứng khớp, dẫn đến tàn phế. Biểu hiện thứ hai của bệnh gút là xuất hiện các hạt tophi ở trên các khớp bị tổn thương như khớp cổ chân, bàn ngón chân... Đó là các u cục nổi lên dưới da, không đau, da phủ trên đó bình thường, mỏng, dưới da có thể nhìn thấy chất bột trắng. Hạt tophi cũng có thể ở tình trạng viêm cấp, hoặc rò ra chất nhão và trắng như phấn. Biểu hiện thứ ba của bệnh gút là tổn thương thận. Trong gút mạn tính có thể có lắng đọng muối urat trong thận tạo thành sỏi thận. Khi đó bệnh nhân có các cơn đau quặn thận, đái ra máu, đái ra sỏi, hay thậm chí không có nước tiểu do sỏi làm tắc nghẽn đường tiết niệu. Để chẩn đoán chính xác bệnh gút cần làm thêm xét nghiệm định lượng acid uric trong máu. Thường phát hiện được nồng độ acid uric máu tăng cao. Các xét nghiệm khác và Xquang khớp tổn thương cho phép xác định mức độ tổn thương và phát hiện các bệnh khác kèm theo.

Chẩn đoán nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây bệnh: Có hai nhóm nguyên nhân lớn của bệnh gút là gút nguyên phát và gút thứ phát. Gút nguyên phát là thể bệnh gặp nhiều nhất, có tính chất di truyền và mang tính gia đình. Gút thứ phát có nguyên nhân do tăng acid uric máu thứ phát, gây nên bởi một số bệnh như bệnh thận, bệnh máu, do sử dụng một số thuốc, hay do nhiễm độc chì. Có 5 yếu tố thuận lợi gây bệnh chính. Thứ nhất là yếu tố gia đình. Có tới 30% bệnh nhân gút có người thân trong gia đình cũng mắc bệnh này. Thứ hai là yếu tố nghề nghiệp. Đa số bệnh nhân là trí thức, thương gia, chủ doanh nghiệp. Vì vậy có câu gút là vua của các bệnh và là bệnh của các vua. Nói là vua của các bệnh vì gút cấp gây đau khớp ghê gớm. Nói bệnh của các vua là vì gút trước hết thường hay gặp ở vua chúa, hay những người giàu có. Thứ ba là tật nghiện bia rượu. Ở Việt Nam có tới 75% bệnh nhân gút uống rượu bia thường xuyên trung bình từ 7-10 năm. Thứ tư là các rối loạn chuyển hóa khác như tăng acid uric máu, tăng đường máu, tăng mỡ máu. Các nghiên cứu khoa học đã chứng tỏ người béo phì có nguy cơ mắc bệnh gút gấp 5 lần so với những người có cân nặng bình thường. Tăng huyết áp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút lên 3 lần. Thứ năm là tiền sử dùng một số thuốc làm tăng acid uric máu như thuốc lợi tiểu, corticoid, aspirin, thuốc chống lao.

Tóm lại, khi bệnh nhân đau sưng các khớp ở chi dưới, có các tính chất như cơn gút cấp, hay có các hạt tophi hay bị sỏi thận, đặc biệt ở bệnh nhân nam giới, cần phải nghĩ đến bệnh gút trước tiên và người bệnh cần đến khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]