Phát hiện sớm trẻ vẹo cột sống

Tuy nhiều biến chứng và điều trị phức tạp nhưng bệnh vẹo cột sống ở trẻ em vẫn chưa được quan tâm đúng mức

15.5827

Vẹo cột sống có nhiều loại nhưng vẹo cột sống tiên phát (còn gọi là vẹo cột sống  vô căn - không rõ nguyên nhân) chiếm đến 80%. Đây là bệnh rất thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là giai đoạn dậy thì.

 
Không thể phòng ngừa
 
Theo bác sĩ Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động TPHCM, 24% bệnh nhân vẹo cột sống  phải tìm đến bác sĩ vì đau lưng và 16% trong số đó buộc phải nằm viện; 38% bệnh nhân vẹo cột sống khi kiểm tra bằng X-quang phát hiện có những biến chứng khác về cột sống như thoái hóa cột sống với gai xương, hẹp khe liên đốt, tự hàn đốt sống... Tại VN, đây là một bệnh khá phổ biến ở tuổi thiếu niên gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển, sinh hoạt, học tập và cả thẩm mỹ.
 
 
Kỹ thuật viên vật lý trị liệu đang hướng dẫn bài tập đu xà để điều trị vẹo cột sống


Khảo sát của các bác sĩ người Mỹ Collis và Ponseti trên 195 bệnh nhân vẹo cột sống  với thời gian theo dõi trung bình 24 năm cho thấy 15% thường xuyên cảm thấy hụt hơi dẫn đến hạn chế vận động; 2% cảm thấy khó thở khi đi bộ và leo cầu thang; 13% hạn chế vận động vì cả đau lưng lẫn khó thở; 9% có viêm phổi và viêm phế quản. vẹo cột sống  tiên phát là bệnh đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nên không thể phòng ngừa.
 
Phẫu thuật tốn kém, nhiều rủi ro
 
Về điều trị, các chuyên gia chuyên ngành cột sống cho biết những phương pháp như dùng áo nẹp, tập vật lý trị liệu... hầu như chỉ hiệu quả khi trẻ đang lớn, cột sống còn phát triển. khi cột sống hết phát triển thì thường phải phẫu thuật.
 

Vai trò gia đình rất quan trọng

Theo bác sĩ Đỗ Trọng Ánh, trong việc tầm soát bệnh vẹo cột sống  đối với trẻ trong độ tuổi đi học, vai trò của y tế học đường là không thể thiếu song gia đình vẫn là quan trọng nhất. nếu thấy trẻ có những biểu hiện như hay ngồi lệch sang một bên, phần lưng không thẳng khi đi hoặc đứng  thì phụ huynh nên chú ý đến khả năng trẻ bị vẹo cột sống. Có thể quan sát kỹ cột sống ở giữa lưng của trẻ, nơi không bị các khối cơ che lấp hoặc dùng tay miết dọc sống lưng cũng sẽ cảm nhận được các đốt sống có nằm trên một đường thẳng hay không. Nếu phát hiện cột sống có dấu hiệu vẹo sang một bên, hãy đưa trẻ tới các cơ sở y tế kiểm tra ngay.

Đây là một phẫu thuật tốn kém, nhiều rủi ro, suốt đời bệnh nhân phải mang trong mình những thanh nẹp sắt. Vì thế, việc phát hiện sớm để điều trị ngay khi bệnh mới khởi phát được đặt lên hàng đầu nhằm giảm thiểu chi phí và đơn giản hóa quá trình điều trị.
 
Nếu trẻ được phát hiện vẹo cột sống  sớm thì có nhiều cơ hội để áp dụng các phương pháp điều trị rẻ tiền như tập trị liệu, đu xà, bài tập kéo dãn các cơ vùng lưng...
 
Điều đáng nói là hiện có trường hợp trẻ bị vẹo cột sống  nhưng không được phát hiện sớm, khi biết để điều trị thì chỉ còn cách phẫu thuật, chi phí hàng chục triệu đồng/ca. Nhiều gia đình không lo nổi chi phí đành để con chịu tật nguyền suốt đời.
 
Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, Phó Phòng Học sinh-Sinh viên của Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết hiện nay tại TPHCM, mỗi năm học sinh đều được kiểm tra sức khỏe tổng quát một lần vào đầu năm học.
 
Đây là chương trình do Sở GD-ĐT kết hợp với Sở Y tế thực hiện đã hơn 10 năm. Mỗi học sinh sẽ có một phiếu theo dõi sức khỏe để nhà trường thống kê tình hình bệnh tật, trong đó có vẹo cột sống, từ đó kịp thời thông báo cho phụ huynh về sức khỏe của con em họ. Nhà trường cũng như phụ huynh cần phối hợp tốt để nắm chắc tình hình bệnh tật nhằm sớm có biện pháp điều trị.
Bài và ảnh: ANH THƯ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]