Chính vì vậy, suy thận mạn là cụm từ ám ảnh nặng nề đối với những ai không may bị mắc phải. Bởi lẽ khi đã vướng vô căn bệnh này thì phải chạy thận nhân tạo để lọc máu suốt đời hoặc phải ghép thận mà chi phí là những con số làm “đứng tim” đối với đa số người có thu nhập trung bình. Vì vậy việc phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh thận vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất.

Hiểm nguy bệnh thận

Trên thế giới, do nguy cơ từ các bệnh không lây như đái tháo đường, huyết áp, béo phì… ngày càng tăng đã kéo theo tỉ lệ bệnh nhân suy thận mạn tăng nhanh. Ở Mỹ, con số người mắc là 1/9 người dân; các nước châu Á khác như Thái Lan: 1/7, Malaysia: 1/5. Còn ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác về dịch tễ học cho căn bệnh không lây này nhưng theo các chuyên gia y tế thì tỉ lệ người Việt Nam bị bệnh thận không hề nhỏ hơn các nước trong khu vực. Các biến chứng từ đái tháo đường, huyết áp cao hay các bệnh như viêm cầu thận, hội chứng thận hư… không được kiểm soát và điều trị tốt đã đưa con số bệnh nhân suy thận mạn ở nước ta luôn tăng mỗi năm.

Người bị bệnh thận mạn nên tăng cường các thực phẩm tươi, rau củ, giảm mặn. Ảnh minh họa: NG.MẪN

Bệnh thận mạn là một bệnh lý tổn thương thận, có chất đạm trong nước tiểu ở mức độ cao, có thể xảy ra với mọi người, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh có yếu tố di truyền và các đối tượng như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, người mắc các bệnh lý về thận (sỏi thận, trướng nước thận, viêm cầu thận, hội chứng thận hư…) dễ bị hơn.

BS Nguyễn Bách (khoa Nội thận-Lọc máu BV Thống nhất TP.HCM) cho biết: Không giống như một số bệnh lý khác, bệnh thận xuất hiện một cách âm thầm, chậm, người mắc sẽ không hề hay biết, đa số bệnh nhân chỉ được phát hiện khi đi làm các xét nghiệm của các bệnh khác hoặc bệnh nhận ở giai đoạn đã “có tên gọi” như sỏi thận, thận ứ nước, viêm cầu thận…

Dựa vào độ lọc cầu thận và các xét nghiệm chuyên sâu mà y học chia bệnh thận mạn ra làm nhiều giai đoạn, nếu bệnh nhân suy thận ở giai đoạn 4 là phải tiến hành chạy thận nhân tạo. Người bị bệnh thận kéo dài trên ba tháng rất dễ bị bệnh thận mạn và khi đã chuyển sang mạn tính thì không bao giờ hồi phục. Sau đó chỉ có thể điều trị tập trung để làm chậm tiến triển của bệnh, đồng thời điều trị bảo tồn nội khoa bằng cách điều chỉnh dinh dưỡng hợp lý và tránh dùng các thuốc có gây độc cho thận.

Cần phải phát hiện sớm bệnh thận

Như đã nói, bệnh thận như một tên “sát nhân thầm lặng”, nó tiến triển từ từ. Tuy nhiên, vẫn có thể quan sát một số dấu hiệu cảnh báo của căn bệnh này. Theo BS Nguyễn Bách, đó là những dấu hiệu thay đổi khi đi tiểu, gồm: tiểu nhiều vào ban đêm (có hai bệnh liên quan đến tiểu đêm nhiều là thận và u xơ tiền liệt tuyến), tiểu khó, buốt, gắt, lượng nước tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có màu sậm (vì lẫn máu), nước tiểu có bọt (do ra đạm nhiều, bệnh đã nặng), phù nề… Bên cạnh đó, người bệnh thận sẽ mệt mỏi, có thể thấy ngứa (nổi ban) ở da, cảm giác có vị kim loại trong miệng, hơi thở có mùi amoniac (mùi khai), đặc biệt là chán ăn thịt cá. Vì vậy, khi thấy các dấu hiệu trên nên nhanh chóng đến thăm khám tại các khoa thận niệu của các bệnh viện để được làm các xét nghiệm cần thiết và để điều trị đúng bệnh.

Có thể phòng ngừa bệnh thận mạn

Để phòng tránh được bệnh thận mạn, với các đối tượng tiềm ẩn nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường nên thường xuyên theo dõi, kiểm soát chặt chẽ công thức máu, đạm niệu; điều trị tốt bệnh lý cầu thận cũng như bệnh tăng mỡ máu; nên tầm soát đạm niệu (đạm trong nước tiểu) thường xuyên đối với những người có người thân từng mắc bệnh thận mạn vì bệnh có yếu tố di truyền” - BS Nguyễn Bách khuyến cáo.

Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng là cách phòng ngừa bệnh thận khả thi nhất. Đầu tiên là không ăn mặn, giảm muối, ăn ít chất béo, ăn nhiều cá, tránh xa rượu bia, thuốc lá… Nên dùng nhiều thực phẩm tươi, thức ăn ít phosphat như táo, lê, nho, đào, mận, mơ, mâm xôi, dâu tây…; tăng rau củ (cà rốt, súp lơ, dưa chuột, rau cần tây, đậu xanh, bắp cải…) và ngũ cốc thô, trà, sữa… Hằng ngày nên uống đủ nước, 2-3 lít/ngày, tập thể dục đều đặn, tránh stress… Tuyệt đối không tự ý dùng bừa bãi các loại thuốc có thể gây độc cho thận như kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, thuốc điều trị ung thư, lao, thuốc cản quang…

CHIÊU DƯƠNG


Video đang được xem nhiều