Phát hiện trẻ bị sởi, cách nào?

Con gái tôi 15 tháng tuổi, cháu đã tiêm phòng sởi khi 9 tháng tuổi, mấy hôm nay cháu sốt cao liên tục 38-39oC.

15.6009

Sáng ngủ dậy thấy xuất hiện các nốt ban ở mặt và cổ, sau đó lan xuống thân mình, tuy nhiên cháu lại không sốt cao nữa. Xin hỏi trẻ đã tiêm vaccin rồi thì có bị sởi không ?

Nguyễn Văn Vinh (Ninh Bình)

Chào bạn,

Con bạn đang trong độ tuổi dễ mắc sởi, mặc dù đã được tiêm vaccin phòng sởi. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ khoảng 5% số người đã tiêm phòng mà vẫn bị bệnh, nhưng nếu đã tiêm phòng thì trẻ bị bệnh sẽ nhẹ hơn so với trẻ không tiêm. Theo thư bạn mô tả thì rất có thể bé bị sởi và đang ở giai đoạn mọc ban.

Bạn có thể nhận biết dấu hiệu bệnh sởi như sau: giai đoạn viêm xuất tiết (3 - 4 ngày). Sốt nhẹ hoặc vừa, sau sốt cao; viêm xuất tiết mũi, họng, mắt: chảy nước mắt nước mũi, ho, viêm kết mạc, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mi mắt.

Nội ban xuất hiện (ngày thứ hai): gọi là hạt Koplick, đó là các hạt trắng, nhỏ như đầu đinh ghim, từ vài nốt đến vài chục, vài trăm nốt mọc ở niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm), xung quanh hạt Koplick niêm mạc má thường có sung huyết. Các hạt Koplick chỉ tồn tại 24 - 48 giờ. Đây là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán sớm và chắc chắn.

Giai đoạn mọc ban (ngày thứ 4 - 6), ban dát sần, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, giữa các ban là khoảng da lành. Ban mọc rải rác hay dính liền với nhau thành từng đám tròn 3 - 6mm. Ban mọc theo thứ tự: ngày 1: mọc ở sau tai, lan ra mặt; ngày 2: lan xuống đến ngực, tay; ngày 3: lan đến lưng, chân.

Ban kéo dài 6 ngày rồi lặn theo thứ tự từ mặt đến thân mình và chi, để lại các nốt thâm. Những chỗ da thâm của ban bay và chỗ da bình thường tạo nên màu da loang lổ gọi là dấu hiệu "vằn da hổ". Toàn thân bệnh nhân hồi phục dần nếu không biến chứng. Điều lưu ý là cần chăm sóc và theo dõi diễn biến của bệnh, phát hiện kịp thời các biến chứng.

Theo BS Kim Anh - Sức khỏe và Đời đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]