Phát lộ đoạn thành quan trọng của Thăng Long xưa

Tại những điểm khai quật khảo cổ học dọc tuyến đường Bưởi, được Viện Khảo cổ học tiến hành theo chủ trương của UBND TP Hà Nội và quyết định của Bộ VH-TT-DL từ tháng 12/2012, đã bước đầu xuất lộ nhiều hình ảnh thú vị về đoạn thành quan trọng của Thăng Long xưa.

15.5692


Các lớp đất đắp thành theo sự chỉ dẫn của các nhà khoa học.

Tại điểm khai quật ở nút giao thông Cầu Giấy (đối diện cổng Công viên Thủ Lệ) đã có thể thấy “diện mạo” mặt ngoài tường thành với độ dốc khá lớn, với tám lớp đất đắp thành liên tục qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Đối chiếu với các bản đồ cổ vẽ các vòng thành qua nhiều thời kỳ, các nhà nghiên cứu đều khẳng định, đây là một đoạn tường thành Thăng Long. Trải qua nhiều thời gian biến đổi, nhiều bồi tụ qua những đợt mưa, nước lớn, chân thành đã khá xa mặt sông hiện nay nhưng dấu tích vẫn còn nhìn rõ qua những lớp đất bồi tụ khá bằng phẳng giữa chân thành với bờ sông.

Thành thời Lý - Trần được đắp bằng đất sét mịn, quy mô lớn, được đầm rất chặt. Đến thời Lê sơ (thế kỷ XV - XVI) thành lại được đắp trùm lên, được đầm cẩn thận với 12 lớp gạch, gốm sứ vụn xen lẫn với 12 lớp sét mịn màu nâu đỏ.

Dấu tích đắp nhân tạo của các lớp đất đắp thành khá sớm là lớp trầm tích trong “thời kỳ biển tiến” cách đây 4000 - 6000 năm được đào sát bờ sông rồi đắp lên thân thành (lớp trầm tích này thường ở độ sâu khoảng 5m so với mặt bằng trung bình của đồng bằng sông Hồng) đã cho phép các nhà địa chất học cùng các nhà khảo cổ học khẳng định dòng chảy của sông Tô và sau đó (có thể) là những đoạn đê - tường thành hình thành bởi công sức của các cư dân chủ nhân vùng đất này đã có cách ngày nay khoảng 2500 năm.

Ở hố khai quật tại nút giao thông Đào Tấn, phía trong của thành, các nhà khảo cổ rất ngạc nhiên khi phát hiện được một ngôi mộ cổ, niên đại khoảng thế kỷ VIII - IX. Ngôi mộ kích thước không lớn, xây hoàn toàn bằng gạch “múi bưởi” (có mặt cắt hình múi bưởi) theo cách cuốn vòm, chưa gặp ở bất cứ ngôi mộ nào khác. Không thấy dấu tích của gỗ quan tài và đồ tùy táng nhưng lại tìm được một đồng tiền “ngũ thù” đặc trưng thời Hán. Phía trên đầu mộ có hai vò sành úp hai chiếc bát. Các nhà nhân chủng - khảo cổ học dựa vào dấu tích răng chưa phát triển đầy đủ, biết rằng người trong mộ vẫn ở tuổi vị thành niên.

Những dấu tích lạ và mới đó đang làm “đau đầu” các nhà khoa học nhưng việc tìm thấy ngôi mộ có niên đại khá sớm ở đây đã khẳng định lịch sử cư trú lâu dài, và gián tiếp xác nhận vị trí, quy mô của khu vực dân cư quan trọng này giữa vùng châu thổ sông Hồng.

Mới chỉ có 300 m² trên tổng số 1600 m² diện tích hố khai quật dự kiến sẽ tiến hành trong dự án tháo gỡ những nút tắc giao thông trên tuyến đường vành đai 2 (trùng với đoạn tường thành xưa) cho Hà Nội. Dù còn nhiều vấn đề khoa học đặt ra để khẳng định và phân biệt rõ hơn dấu tích Lý - Trần (và có thể cả giai đoạn trước Lý - Trần) trên thực địa các vòng thành; xác định rõ hơn vai trò công trình của vòng thành qua các thời kỳ lịch sử (công trình trị thủy, công trình phòng thủ quân sự, công trình giao thông, hay sự kết hợp các công năng đó...?) nhưng những kết quả khảo cổ học đã phát hiện được đang làm rõ thêm lịch sử (hàng) nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội và vẽ nên hình ảnh rõ nét, chính xác hơn của công trình tường thành rất quan trọng với Thăng Long - Hà Nội.

Quá trình tìm tòi, phát hiện để khẳng định, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của cha ông để lại vẫn đang tiếp tục trong tiến trình phát triển của xã hội hiện đại hôm nay.

Theo Báo Nhân dân

________________________

*Mọi liên hệ về bài tin với chuyên mục Khoa học, xin gửi đến

email:

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]