Phát minh mới không bằng bắt chước cũ

Mọi người thường đánh giá thấp hành động bắt chước. Nhưng, trên thực tế, sự phát triển của doanh nghiệp có thể cần bắt chước hơn là phát minh mới hoàn toàn.

15.5911

Mời các bạn theo dõi bài: "Phát minh mới không bằng bắt chước cũ" do Kim Quy trình bày.

[MEDIA:audio]

Giáo sư Oded Shenkar: "Bắt chước giỏi đòi hỏi óc tưởng tượng và trí thông minh để đem lại hiệu quả tích cực cho kinh doanh"
Bắt chước không phải là lặp lại không suy tính. Bắt chước một cách thông minh là nghiên cứu sâu để nắm vững ngọn ngành nguyên nhân của một thành quả, rồi tái hiện lại để đem đến thành quả lớn hơn.

Giáo sư Oded Shenkar đã tiến hành khảo sát mô hình kinh doanh và cả nghiên cứu khoa học, lịch sử. Anh khám phá ra rằng: bắt chước là nguồn gốc dẫn đến tiến trình phát triển. Bên cạnh đó, bắt chước giỏi đòi hỏi óc tưởng tượng và trí thông minh để đem lại hiệu quả tích cực cho kinh doanh.

Câu hỏi gây tranh cãi là: hành động bắt chước có giá trị hơn một ý tưởng mới toanh? Bắt chước thành công là việc làm không dễ và đòi hỏi những kỹ năng cần học tập, rèn luyện?

Giáo sư Shenkar sẽ trò chuyện với chúng ta xoay quanh vấn đề này.

Shenkar: Bắt chước tạo ra hiệu quả tuyệt vời, và vì thế rất cần thiết trên con đường phát triển. Thực tế, bắt chước dẫn đến thành công không phải là điều quá hiếm hoi. Trong một khảo sát tôi đã tiến hành, trong 48 thành quả thì có 34, chiếm ¾ tổng số, là được thực hiện nhờ bắt chước một ý tưởng đã hình thành trước đó. Khảo sát cũng cho thấy rằng tỷ lệ bắt chước đang tăng dần lên.

Ví dụ như việc Chrysler đã sáng chế ra chiếc xe tải nhỏ hiện đại năm 1984. Phải đến một thập kỷ sau, một nhà sản xuất xe khác bắt chước nó. Rồi GM giới thiệu chiếc Spark, hãng Chery của TQ cho ra đời chiếc QQ. Những chiếc xe đời sau mới thu hút thị trường mạnh… 98% giá trị của phát minh không được hưởng bởi người sáng lập đầu tiên mà bởi những người bắt chước sau này.

Hỏi: Vậy chỉ cần ngồi chờ cái gì đó thành công rồi bắt chước?

Shenkar: Những người bắt chước giỏi không ngồi chờ, mà tích cực tìm kiếm ý tưởng đáng để bắt chước. Họ dành nhiều thời gian và công sức lần mò đến những ý tưởng ở các địa phương rất xa, ở những ngành công nghiệp rất khác lạ… Ngoài ra, họ không chỉ đơn thuần đem về y nguyên ý tưởng đã hình thành, mà thay đổi, cải biến thành sản phẩm mới tốt và rẻ hơn.

Bắt chước sau thường thành công hơn ý tưởng trước. Vì người phát minh ban đầu thường dễ sa đà vào hoạt động nghiên cứu sâu, trong khi kẻ bắt chước lại nhìn ý tưởng một cách khách quan để điều chỉnh nó phù hợp với phản ứng của thị trường.

Hỏi: Làm thế nào bắt chước ý tưởng của công ty khác mà không xâm phạm luật bản quyền phát minh sáng chế?

Shenkar: Trên thực tế, hầu hết sản phẩm, quy trình, ý tưởng đều không được bảo vệ bởi luật bản quyền sáng chế. Thử nghĩ xem, một tạp chí ban đầu hình thành mục “Hỏi và Đáp”, chẳng lẽ tạp chí của bạn không được có mục đó? Không. Bạn vẫn có thể làm. Và nếu làm tốt thì sẽ thu hút nhiều độc giả hơn.

Hỏi: Anh có thể kể chúng tôi nghe một vài ví dụ kinh doanh mà chúng ta vốn nghĩ là phát minh nhưng thực ra là một tác phẩm bắt chước xuất sắc?

Shenkar: Đơn giản nhất, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s đã bắt chước hệ thống tiên phong của White Castle. Thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard đều vay mượn ý tưởng một chiếc thẻ nhựa nhỏ để giao dịch giữa người mua kẻ bán của Diners Club. Nhà sáng lập chuỗi cửa hàng tiện lợi Wal-Mart thừa nhận mình tổng hợp nhiều ý tưởng tuyệt vời từ thế hệ đàn anh đi trước và cải thiện chút để tạo hệ thống siêu thị thành công.

Hỏi: Nếu bắt chước đem lại hiệu quả tuyệt vời như vậy, tại sao các doanh nghiệp không phổ biến khắp các nhân viên?

Shenkar: Từ “bắt chước” mang nghĩa không đẹp. Tôn vinh nó chẳng khác nào làm thui chột những phát minh mới lạ nguyên thủy và đầy tiềm năng. Ngay cả những chủ doanh nghiệp nhận thấy hiệu quả đích thực của bắt chước và cải tiến, họ cũng tránh không đề cao việc đó. Kết quả là bắt chước thường được thực hiện trong bóng tối mà không có chiến thuật hỗ trợ đích đáng.

Hỏi: Vậy nếu doanh nghiệp đánh giá đúng mức và chú trọng nhiều hơn, bắt chước thì sẽ đem đến nhiều thành công hơn?

Shenkar: Chính xác! Tuy nhiên, không đơn giản vậy. Nhiều người bị thu hút bởi một phát minh, nhưng không nhìn thấy hết cốt lõi tạo thành công từ ý tưởng thô sơ đó. Người thì nhầm: thành công ở Peoria nhất định sẽ thành công tại New York. Người thì quá tin tưởng sức mạnh của ý tưởng đầu tiên, nên không cải biến cho phù hợp với thị trường thực tế.

Người bắt chước giỏi sẽ hiểu: phải phát triển những khả năng còn tiềm tàng trong ý tưởng và triển khai các chiến lược cụ thể để đem lại hiệu quả đích thực.

Hỏi: Nghiên cứu khoa học nhận định sao về hành động bắt chước?

Shenkar: Trước đây, các nhà khoa học nhận định bắt chước là hoạt động ở cấp độ thấp. Một vài người miêu tả chúng như đặc tính của động vật, trẻ em và người có thần kinh kém phát triển.

Tuy nhiên, ngày nay, sau khi tiến hành nhiều thí nghiệm quan sát con người và động vật trong đa dạng hoàn cảnh, môi trường, các nhà khoa học phát hiện: hành động bắt chước là một tiến trình phức tạp, đòi hỏi trí thông minh và năng lực nhận thức cao cấp… Nghiên cứu trên động vật cho thấy: con dã nhân đầu đàn nhờ bắt chước mà tồn tại trong môi trường thù địch bất chấp sức mạnh thể lực không đủ chèo chống. Tôi thấy điều đó cũng tương tự trong rừng kinh doanh hiện nay.

Hỏi: Con dã nhân bắt chước để tồn tại. Và những nhà lãnh đạo cũng thế?

Shenkar: Doanh nghiệp cần thay đổi cách nhìn. Nhớ lại những năm 1980, cách mạng chất lượng, các công ty Hoa Kỳ vốn nghĩ khâu kiểm định chất lượng là cuối cùng sau quá trình sản xuất. Nhưng cuộc cách mạng đó khiến doanh nhân phải hiểu: cần kiểm soát chất lượng trong mọi khâu, tất cả quy trình, từ đầu đến cuối. Và bây giờ là cách mạng đánh giá tầm quan trọng của việc bắt chước đi kèm cải biến trong phát triển doanh nghiệp.

Nguồn ĐH Havard - dịch BÁCH HỢP
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]