Phía sau "Không còn gì để nói"

Nhân vật chính trong suốt bộ phim không nói một lời, toàn là những độc thoại nội tâm. Phim có cách thể hiện khá lạ, bó gọn trong hai ngày cuối của một giám đốc trước khi bị bắt với những ám ảnh và xung đột, cảnh đời và tình người... Dưới đây là cuộc trò chuyện với biên tập Phạm Ngọc Tiến và diễn viên Mạnh Cường.

15.5818

Một cảnh trong "Không còn gì để nói".

Biên tập Phạm Ngọc Tiến:

- Anh suy nghĩ gì về cách thể hiện của bộ phim truyền hình này?

- Phim truyền hình phải mang được hơi thở của cuộc sống. Đó là việc chúng tôi theo đuổi hàng ngày. Không còn gì để nói đã tìm được cách thể hiện lạ, phải nói là rất khó đối với một bộ phim truyền hình. Việc đặt nhân vật trong khoảng thời gian cố định với những giằng xé nội tâm để bộc lộ nội dung câu chuyện là một thách thức không nhỏ. Chúng tôi muốn thông qua nhân vật này để giãi bày những góc khuất của số phận, những cảnh đời mà quyền lực và tiền bạc chi phối đời sống thường nhật của họ.

- Nhưng những nhân vật, hoàn cảnh mà bộ phim đề cập chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống?

- Tôi nghĩ, những cảnh đời tưởng như rất bé nhỏ, những câu chuyện có cảm giác vặt vãnh, nếu tìm được cách thể hiện hợp lý và đưa ra được những vấn đề dư luận quan tâm thì sẽ có tác dụng không nhỏ.

- Anh nghĩ sao nếu nhiều người không thích sự mới lạ này?

- Có thể như vậy đối với một số khán giả. Nhưng theo tôi, nếu đọc được ý nghĩ của một người trong tâm trạng của nhiều người thì sẽ nhận sự đồng cảm và chia sẻ của người xem, dù có thể họ không ở trong hoàn cảnh ấy. Khi đạo diễn Khải Hưng có ý tưởng làm phim theo hướng này, từ biên kịch đến diễn viên và các thành phần khác đều hào hứng.

Diễn viên Mạnh Cường

- Công việc ở Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội rất bận rộn, sao anh lại nhận vai diễn này?

- Khi nghe đề cương kịch bản của bộ phim, tôi đã chủ động đến gặp đạo diễn Khải Hưng và xin tham gia. Bởi vì tôi thấy phim phản ánh đúng những vấn đề có thật trong cuộc sống mà nhiều người không dám giãi bày. Mặt khác, đó cũng là lời răn, lời cảnh báo và sự chia sẻ cho những người trên cương vị quản lý.

- Vào vai một nhân vật lặng lẽ, anh có nghĩ cách thể hiện của mình đã đạt đến điều mà bộ phim muốn nói?

- Tôi nghĩ nhân vật đã nói đủ và nhiều đấy chứ. Chỉ có điều không phải bất kỳ một giám đốc nào cũng nói thật những điều như thế.

- Nhưng người xem chờ đợi ở nhân vật của anh một lời nói và muốn... hét lên vì những bức xúc mà nhân vật đang dồn nén?

- Chính tôi cũng muốn hét lên cùng với nhân vật của mình... Nhưng tôi nghĩ thế là đủ, vì những gì mà nhân vật bộc lộ còn phải để khán giả cảm nhận chứ. Đây có lẽ cũng là một thách thức đối với tôi.

- Anh tin rằng mình và các đồng nghiệp đã vượt qua được thách thức đó?

- Thật sự ban đầu cũng rất khó khăn bởi đây là cách thể hiện mới đối với phim truyền hình, nó đòi hỏi diễn viên phải có sự từng trải và tâm huyết với nghề. Tôi và các bạn diễn đã sống thực sự với nỗi niềm của các nhân vật.

(Theo Thể Thao - Văn Hóa)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]