Phối hợp hiệu quả công - tư trong phòng chống lao

Trung bình mỗi năm, Chương trình chống lao (CTCL) thành phố Hà Nội phát hiện khoảng 5.000 bệnh nhân lao mới các thể. Trong số đó, có nhiều bệnh nhân được phát hiện là nhờ sự tham gia tích cực của các nhà thuốc, phòng khám tư và các cơ sở y tế công ngoài mạng lưới phòng chống lao.

0


Tăng tỷ lệ phát hiện


Ông Trần Đăng, phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng vừa biết mình mắc bệnh lao khoảng nửa tháng nay. Ông Đăng cho biết: “Hai tháng trước, tôi bị ho, có đờm nên tự đi mua thuốc kháng sinh về uống. Sau đó 1 tháng, tôi càng mệt và ho nhiều hơn nên lại đi mua thuốc tại một cửa hàng thuốc ở đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng. Thấy tôi kể triệu chứng, cô dược sĩ tại đây đã khuyên: “Chú ho lâu, lại nhiều đờm, nên đến cơ sở y tế để kiểm tra lao”. Tôi đi khám và mới biết mình mắc bệnh lao”.

 

Tập huấn về phòng chống lao cho hệ thống y tế tư nhân.Ảnh:Vũ Cường

 


Theo ông Phạm Hữu Thường, Giám đốc BV Phổi Hà Nội, nhiều năm qua, nhờ sự tham gia tích cực của các nhà thuốc, phòng khám tư và cả cơ sở y tế công (không thuộc mạng lưới phòng chống lao)... nên nhiều bệnh nhân lao như ông Trần Đăng đã được phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời.

Mục tiêu chung của CTCL Hà Nội trong năm 2014 là nâng cao chất lượng khám, điều trị và chăm sóc người bệnh lao. Cụ thể, khám mới cho 72.000 người có dấu hiệu nghi lao; phát hiện và thu nhận điều trị 4.800 bệnh nhân; thu nhận và quản lý điều trị 80 bệnh nhân lao kháng thuốc các loại.


“Từ 2005 - 2006, Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình hoạt động phối hợp công - tư trong phòng chống lao (PPM). Sau đó, năm 2011 - 2013, nhờ sự hỗ trợ của Chương trình chống lao quốc gia và Quỹ toàn cầu (thông qua tổ chức PATH (Mỹ), mô hình này được mở rộng và triển khai tại 10 quận, huyện như Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Từ Liêm, Ba Đình, Thanh Xuân, Đông Anh, Chương Mỹ, Hà Đông, Thường Tín”, ông Phạm Hữu Thường cho biết.


Theo ông Thường, có 4 mô hình PPM. Mô hình 1 là phối hợp khám, phát hiện, tư vấn, giới thiệu và chuyển gửi người nghi lao tới các cơ sở y tế thuộc mạng lưới chống lao. Mô hình 2 là phối hợp xét nghiệm chẩn đoán phát hiện lao và gửi bệnh nhân lao tới cơ sở thuộc mạng lưới để quản lý điều trị; hiện đã triển khai tại một số bệnh viện công, bệnh viện đa khoa ngoài mạng lưới chống lao, nhưng chưa triển khai được ở khối bệnh viện tư nhân vì còn hạn chế trong khả năng xét nghiệm tìm vi khuẩn lao. Mô hình thứ 3 là phối hợp hỗ trợ quản lý điều trị, bệnh nhân sau lao được chẩn đoán lao tại các cơ sở chuyên khoa lao có thể chọn cơ sở y tế tư thuận tiện để được hỗ trợ quản lý trong quá trình điều trị. Mô hình thứ 4 là phối hợp trong chẩn đoán và điều trị, các bệnh viện đa khoa cấp thành phố, khu vực hay các bệnh viện tư đủ năng lực và điều kiện theo yêu cầu của CTCL quốc gia có thể đăng ký cung cấp chẩn đoán và điều trị lao, cơ sở này có nhiệm vụ báo cáo và chịu sự giám sát của CTCL quốc gia.

 

Điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Hà Nội.Ảnh do bác sĩ cung cấp

 


Hiện nay, việc thực hiện PPM chủ yếu thực hiện theo mô hình 1, tức là phối hợp khám, phát hiện, tư vấn, giới thiệu và chuyển gửi người nghi lao tới các cơ sở y tế thuộc mạng lưới chống lao. Việc tham gia mô hình này đã khuyến khích các phòng khám, nhà thuốc tư và các cơ sở công ngoài hệ thống phòng chống lao chuyển người bệnh có dấu hiệu nghi mắc lao tới các cơ sở chuyên khoa lao để được chẩn đoán và điều trị. Thông qua các khóa tập huấn và giám sát hỗ trợ, các cơ sở tư và công ngoài hệ thống phòng chống lao đã được tăng cường các kỹ năng để phát hiện bệnh, đồng thời, tiếp nhận các thông tin liên quan đến bệnh lao và HIV để cung cấp cho khách hàng...

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch Hội Lao và bệnh Phổi Việt Nam:

“Hỗ trợ nguồn lực đối với y tế tư nhân”

Việc tăng phối hợp y tế công - tư trong phòng, chống lao là một hướng đi bắt buộc phải triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên, khó nhất là làm thế nào nâng cao nhận thức của các cơ sở y tế tư nhân trong việc tham gia phòng, chống lao; bởi lẽ, có thể họ sẵn sàng tham gia phòng, chống các bệnh khác nhưng với lao thì không phải ai cũng hào hứng. Vậy nên, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động về trách nhiệm của hệ thống y tế tư nhân thì cũng cần chú ý việc hỗ trợ nguồn lực, áp dụng chính sách ưu đãi khi họ tham gia công tác phòng chống lao.

GS.TS Nguyễn Đình Hường, Tổ chức các đối tác
phòng chống lao Việt Nam:

Cần mở rộng PPM tại 42 tỉnh, thành phố còn lại

Theo báo cáo từ Chương trình phòng, chống lao quốc gia, hiện nay, 21/63 tỉnh, thành phố đã triển khai PPM; trung bình các PPM đã đóng góp hơn 10% vào tổng số ca lao được phát hiện mỗi năm. Dự kiến, nếu chương trình này được thực hiện bài bản thì tỷ lệ bệnh nhân lao được phát hiện thông qua PPM có thể lên tới 15%. Do đó, cần phải sớm mở rộng mô hình PPM tại 42 tỉnh khác trong toàn quốc. Trước đó, cần tổ chức hội nghị để đánh giá về kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn, từ đó, rút ra bài học để triển khai mô hình PPM hiệu quả hơn.


“Đến nay, các cơ sở PPM đã được triển khai rộng khắp đến BV, phòng khám công lập cũng như các cơ sở y, dược tư nhân trên địa bàn 10 quận, huyện. Cụ thể, đã có hơn 700 các cơ sở y tế bao gồm: BV công, BV tư ngoài mạng lưới phòng chống lao, phòng khám tư và nhà thuốc tham gia tích cực vào mạng lưới phòng, chống lao. Ngoài ra, chương trình còn nhận được sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội như hội phụ nữ, hội chữ thập đỏ và các ban, ngành, đoàn thể khác.

 

Nhờ vậy, năm 2012 - 2013, các cơ sở y tế tham gia PPM đã giới thiệu cho chương trình chống lao Hà Nội khoảng 4.309 người nghi lao, trong đó đã phát hiện và đưa vào quản lý điều trị là 452 bệnh nhân lao các thể, chiếm gần 10% tổng số bệnh nhân lao được phát hiện và đưa vào quản lý điều trị trên toàn thành phố, nghĩa là cứ 100 bệnh nhân lao được phát hiện thì có 10 người là do các cơ sở y tế, tình nguyện viên các tổ chức xã hội tham gia PPM chuyển gửi. Điều đó cho thấy hệ thống y tế tư nhân có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng”, ông Thường khẳng định.


Vẫn còn nhiều thách thức


Tuy hoạt động PPM tại Hà Nội đã thu được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng theo những người trong cuộc, trong quá trình triển khai vẫn còn một số những trở ngại. Đơn cử, công tác thống kê, báo cáo trao đổi thông tin tại các cơ sở y tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn; nhân viên của các nhà thuốc, phòng khám thường xuyên thay đổi; mỗi nhà thuốc, phòng khám chỉ có 1 người tham gia tập huấn khó để chuyển tải thông tin được tập huấn hết đến các nhân viên khác. Sự tham gia, kỹ năng tư vấn, khả năng phát hiện của cơ sở y dược tư nhân còn hạn chế...


“Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã đề ra các giải pháp như: Thu thập số liệu bằng nhiều hình thức qua email, điện thoại, giao ban; tăng cường tập huấn và nhắc lại; tăng cường giám sát hỗ trợ (cầm tay chỉ việc), sàng lọc lại các cơ sở tham gia dự án...”, ông Phạm Hữu Thường cho biết.


Cũng theo ông Thường, để tiến tới hoàn thành mô hình phối hợp y tế công - tư trong phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao trên địa bàn Hà Nội giai đoạn tiếp theo, BV Phổi Hà Nội, CTCL thành phố Hà Nội sẽ triển khai nhiều hoạt động như: Tiếp tục khảo sát triển khai phối hợp y tế công - tư theo mô hình 2 và mô hình 4 cho 13 BV (4 BV đa khoa thành phố và 7 BV đa khoa tuyến huyện khu vực phía tây Hà Nội), tổ chức hội thảo, triển khai CTCL tại BV Đa khoa Đống Đa và Xanh Pôn; tổ chức tập huấn cho các phòng khám tư, nhà thuốc tư, BV đa khoa tuyến huyện trong việc chẩn đoán và chuyển gửi người nghi lao tới các cơ sở CTCL thành phố...

 

Phương Liên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]