Phòng bệnh bằng nước

Dùng nước đúng cách không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn giúp phòng bệnh, thậm chí đẩy lùi bệnh mới nhiễm.

0

Cao huyết áp

Có người cho rằng uống ít nước thì máu sẽ đặc, di chuyển chậm làm ảnh hưởng đến tim, khiến tim phải tăng cường lực, dễ dẫn đến các bệnh tăng huyết áp, tim to…

BS Lê Thiện Anh Tuấn - Hội Y học TPHCM cho biết: "Thông tin này không chính xác, vì uống nước ít không làm đặc máu. Nhưng, những người bị bệnh cao huyết áp không nên uống nhiều nước một lúc. Nước thấm nhanh vào lòng mạch máu có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Để đảm bảo sức khỏe, cần đi khám sức khỏe định kỳ, nếu bị cao huyết áp nên uống từng ngụm một".

Người khỏe mạnh nhưng sau khi ăn lại uống nhiều nước cũng dễ làm tim bị mệt. Đơn giản chỉ vì vùng bụng căng to chèn ép vùng ngực nên gây cản trở hoạt động của tim.

Bệnh gan

Gan chịu trách nhiệm thải các chất không có lợi cho cơ thể ra ngoài. BS Cao Xuân Minh - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh (TPHCM) giải thích: "Nước và thức ăn sau quá trình chuyển hóa sẽ được ruột hấp thu và chuyển đến gan. Gan sẽ tinh lọc hấp thu chất dinh dưỡng rồi đưa đến các cơ quan, bộ phận trong cơ thể sử dụng. Uống nước đầy đủ sẽ giúp gan được nuôi dưỡng và chuyển hóa giải độc, sản xuất các chất cần thiết cho cơ thể. Nước rất cần thiết cho nhu cầu hoạt động của gan cũng như toàn bộ cơ thể".

Khi bị bệnh, nếu phải uống thuốc, người bệnh nên uống nhiều nước để quá trình thanh lọc ở gan được dễ dàng, hạn chế tình trạng tích tụ những chất gây hại cótrong thuốc.

Sỏi thận

Ít uống nước là một trong những nguyên nhân gây sỏi thận. Bởi khi ấy, hệ tiết niệu sẽ tăng cường độ lao động. Máu đem dưỡng chất đến tế bào và lấy chất thải từ tế bào chuyển đến thận để thải ra ngoài.

Tại đây, nếu lượng nước ít, thận sẽ tăng cường tái hấp thu nước khiến nước tiểu đậm đặc. Sự đặc quánh này khiến cho các tinh thể dễ lắng và tạo sỏi tại thận và đường tiết niệu. Khi uống đủ nước, cơ thể cũng giống như dòng sông thông ra biển, thông thoáng và sạch sẽ.

Bên cạnh uống đủ nước, nên lưu ý đi tiểu ngay khi cơ thể phát tín hiệu mắc tiểu. Nhịn tiểu cũng là một trong những yếu tố giúp sỏi thận có cơ hội "to con" hơn!

Trĩ, táo bón

Người bị trĩ, táo bón sẽ thấy cuộc đời lắm… đau đớn, bởi mỗi ngày khi phải vào toilet đại tiện là có cảm giác lo lắng, hoảng sợ. Có nhiều "trợ thủ" giúp bệnh này phát sinh như: ăn uống kiêng khem khi sinh nở, đứng nhiều, ngồi nhiều, làm việc nặng nhọc, collagen bị lão hóa khi cao tuổi…

Nếu chưa từng bị táo bón, cần duy trì chế độ ăn uống hiện nay vì bạn đã ăn uống đúng cách. Còn nếu đã bị táo bón và không có thói quen "thải rác" mỗi ngày thì cần uống thêm nước.

Nước giúp cho chuyển động của ruột dễ dàng như xe máy được tra dầu nhớt. Cơ thể cần mở "cửa sau" bỏ "rác" mỗi ngày. Nếu không, cơ thể sẽ bị ngộ độc từ vi khuẩn gây thối rữa, chất cặn bã ứ quá lâu trong ruột sẽ ngấm ngược vào máu gâymụn, ngứa…

Nhiễm trùng đường tiểu

Niệu quản phụ nữ ngắn hơn nam giới nên dễ bị nhiễm trùng đường tiểu hơn. Nguy cơ nhiễm bệnh cao khi đương sự đặt chân vào hàng ngũ mãn kinh và cao tuổi. Lúc này, các loại vi khuẩn gây bệnh nằm chờ sẵn ở các khu vực kế bên sẵn sàng khám phá miền đất mới, chúng xâm nhập và nếu không bị ngăn cản thì sẽ lội ngược dòng lên các cơ quan của hệ tiết niệu: niệu quản, bàng quang...

Nhiễm trùng đường tiểu có triệu chứng gây khó chịu, mệt mỏi như tiểu buốt, tiểu máu… Để tìm bệnh, có nhiều cách: xét nghiệm nước tiểu, nuôi cấy tìm vi trùng trong nước tiểu…

Cách phòng bệnh từ xa là uống nước. Khi uống đủ nước, đi tiểu nhiều lần, nước tiểu sẽ như dòng thác từ trên xuống cuốn phăng vi trùng, vi-rút. Bên cạnh đó, cần đi bác sĩ chuyên khoa để tiêu diệt những tên vi khuẩn đã có "nơi ăn chốn ở" an toàn.

Cảm ho

Khi đã bị bệnh cảm, ho, cũng cần uống nhiều nước. BS Nguyễn Công Viên - Phòng khám Quốc tế Alain Carpentier (TPHCM) giải thích: "Cơ thể thiếu nước thì đàm nhớt trong đường hô hấp cũng bị đặc quánh, dễ nhiễm trùng nặng hơn (bội nhiễm), và dễ kích thích ho nhiều đểtống đàm".

Theo Vũ Âu - Phụ nữ TPHCM

15.6005--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]