Phòng bệnh cúm mùa lạnh

Giadinh.net - Trong tuần qua, số bệnh nhi tới viện khám mắc chứng cúm như chảy mũi, hắt hơi và ngạt mũi tăng cao. Không chỉ có trẻ em mà cả số người lớn mắc cũng tăng đột biến.

0

Vào mùa cúm, người ta nghĩ ngay đến tiêm phòng vaccine. Nhưng ngoài chủng ngừa, có rất nhiều cách phòng bệnh cúm hiệu quả mà không cần dùng thuốc.

Phòng bệnh là chính

Không phủ nhận vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để ngừa cúm. Nhưng đừng quên họ nhà virus cúm là một gia tộc đông đảo chi hệ vào bậc nhất của cộng đồng siêu vi trùng. Virus cúm còn khá ma mãnh bởi khả năng biến thể tinh quái (H5N1 là một “hậu sinh khả úy” kiểu này). Do vậy, vaccine chỉ phát huy tác dụng tối đa nếu lấy đòn thủ công nhắm đúng chủng virus hiện tại. Ngược lại, nếu đợt tập kích vào đúng thời điểm xuất hiện những “chiến binh” lạ, hiệu năng của vaccine khó tránh khỏi sút giảm.

Những biện pháp phòng cúm đơn giản:

1. Vào mùa cúm, người ta có khuynh hướng ngại ra ngoài. Đây là một cách phòng vệ, nhưng coi chừng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, nếu trong nhà hoặc hàng xóm có người bị bệnh. Không gian chật hẹp, kém thoáng khí luôn là điều kiện lý tưởng cho sự lây lan.

2. Rửa tay mọi nơi, mọi lúc. Một hành động nhỏ nhưng siêu lợi ích vào mùa cảm cúm. Tay là “cửa khẩu” chuyên đưa virus vào cơ thể. Đừng ngại sử dụng các chất khử trùng. Súc miệng  bằng dung dịch sát khuẩn cũng là việc nên làm. Đôi khi, cần thay mới bàn chải đánh răng vì có thể, nó đã trở thành “nội tuyến” của cúm.

3. Giữ ấm, nhất là vùng cổ. Ngủ sâu và đủ giấc, tránh stress.

4. Giữ cự ly với mọi nguồn lây. Virus cúm lây theo dịch tiết đường hô hấp của người bệnh như: nước bọt, nước mũi, đờm, nhớt (ho, hắt hơi, xì mũi, khạc nhổ). Sử dụng khăn tay, khẩu trang thường xuyên, nhất là nơi đông người.

Không chỉ phát tán trong không khí, virus cúm còn cư ngụ trên vật dụng mà người bệnh dùng qua, đặc biệt là những nơi công cộng như: vòi nước, nắm cửa, bệ bồn sứ, khăn lau trong nhà vệ sinh. Người ta còn khuyên nên hạn chế... bắt tay và hôn vào mùa cúm.

5. Các đối tượng cần tăng mức cảnh giác lên nhiều bậc nhất là bệnh nhân mắc bệnh mãn tính làm sút giảm miễn dịch (tiểu đường, bệnh ác tính) sẵn có bệnh hô hấp (suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn), người già, trẻ em, thai phụ.

6. Có nhiều cách để “tổng động viên” hệ miễn dịch. Trong đó, dinh dưỡng là cách hữu hiệu nhất. Chú ý ăn uống đủ lượng và chất để củng cố hệ miễn dịch như: vitamin A (có trong đu đủ, bí đỏ, gấc, cà rốt...), vitamin C (cam, sêri...), tỏi (chứa chất khoáng siêu vi tự nhiên), yaourt, gừng hoặc ớt (giữ ấm)...

BS. Trung Thanh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]