Phòng bệnh đau mắt đỏ bằng cách nào?

Thống kê tại BV Mắt Hà Nội cho thấy, từ đầu tháng 8 đến nay, trung bình mỗi ngày BV đón tiếp khoảng 25-30 bệnh nhân đau mắt đỏ tới khám.

0

Đây đang là thời điểm bệnh đau mắt đỏ bùng phát mạnh (tháng 7 đến tháng 9), vì vậy nếu không vệ sinh sạch sẽ, đúng cách thì nguy cơ bệnh trầm trọng cũng như nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất lớn.

Mặc dù bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm virus) không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu-ảnh hưởng đến việc quan sát, khả năng nhìn. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc không đúng cách cũng có thể dẫn đến những biến chứng như suy giảm thị lực hoặc gặp phải những tác dụng không mong muốn của thuốc khi dùng trong thời gian quá dài.


Vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước muối là cách phòng bệnh tốt

Để đề phòng bệnh đau mắt đỏ, BS Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương cho rằng vệ sinh tay, mắt, chống lây lan là quan trọng nhất. Rửa mắt bằng nước muối hoặc nước mắt nhân tạo các loại khi có người xung quanh bị đau mắt đỏ. Có thể dùng kháng sinh và các thuốc có steroides nhưng phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt. Đặc biệt, chính BV là môi trường phát tán dịch trong mùa dịch do tần suất gặp gỡ người bệnh-người lành trong BV là rất cao. Chính vì vậy trong những ngày "đỉnh" dịch không nên đến BV khi không cần thiết, cũng nên tránh chỗ đông người như siêu thị, thang máy.

Trong gia đình có người đau mắt đỏ thì người bệnh sau khi tra thuốc phải đi rửa tay ngay bằng nước sạch và xà phòng. Đồng thời, người nhà bệnh nhân cũng cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng để tránh virus truyền qua trung gian, dính vào tay và gây đau mắt. Những dụng cụ bệnh nhân hay sử dụng như khăn mặt, ga gối cần được làm sạch.

Điều quan trọng nữa là khi bị đau mắt cần chủ động làm sạch mắt bằng nước muối sinh lý pha sẵn để có thể đề phòng lây lan. Tuy nhiên, mọi người không nên tự ý pha nước muối để tra mắt bởi có thể bị bỏng, rát mắt nếu pha tỉ lệ không chuẩn, nồng độ muối quá đặc. Không nên sử dụng chung một lọ thuốc nhỏ mắt hoặc nước muối bởi nguồn bệnh có thể lây qua phần nắp lọ.

Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ ban đầu chỉ là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt một chút, bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không suy giảm. Nếu để nặng hơn, bệnh nhân có thể bị phù mắt đỏ, bệnh nhân có thể có màng trong mắt.

Bởi vậy, nếu chẳng may bị đau mắt thì bạn cũng có thể can thiệp để giảm triệu chứng bằng cách uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh khói bụi, đeo kính mát giúp mắt bớt kích thích với ánh sáng chói hoặc có thể chườm đá lạnh cho mắt dễ chịu hơn. Không nên tự ý sử dụng thuốc tra mắt để tránh các biến chứng đáng tiếc cho giác mạc, thị lực.

AloBacsi.vn
Theo Vân Hà - Pháp luật & Xã hội
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]