Phòng bệnh giao mùa: Chữa chứng mất tiếng, chảy máu cam

GiadinhNet - Theo TS.BS Lương Tài, BV Châm cứu TW, chứng khàn giọng, mất tiếng, chảy máu cam... rất hay mắc trong thời tiết lạnh, hanh khô như hiện nay.

15.6028
Làm gì khi... mất tiếng?

Tại Khoa Khám, BV Châm cứu TƯ có khá đông bệnh nhân đến khám các bệnh liên quan tới tai, mũi, họng. Bệnh nhân Phan Tú (Đông Anh, Hà Nội) giọng khản đặc cho biết: Mấy đêm trước thức xem 2 đội bóng ngoại hạng Anh đua tài, cổ vũ nhiệt tình nên sáng hôm sau dậy thấy họng đau, nói khàn khàn rồi sau đó không ra tiếng nữa.
 
Chị Hải Anh (Thanh Hà, Hải Dương) sáng ngủ dậy tự dưng thấy giọng khàn đi. Chị súc họng bằng nước muối rồi cố gắng nói ít, nhưng tới chiều thì giọng gần như mất hẳn.
 
Theo TS. BS Phạm Hữu Lợi (BV Châm cứu TƯ), trong Đông y, nếu đột nhiên mất tiếng gọi là cấp hầu âm, kéo dài gọi là mạn hầu âm. Tây y hay dùng các thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm phù nề, vitamin. Đông y tuỳ chứng mà bác sĩ kê đơn bốc thuốc. Ngoài ra, các bác sĩ có thể châm cứu giảm viêm, phù nề. Ngoài ra còn có một số vị thuốc trị viêm họng, khàn giọng mất tiếng hữu hiệu.

Theo Ths.BS Trần Thuấn, BV Xanh Pôn, (Hà Nội) khi khàn giọng, mất tiếng cần hạn chế nói, súc miệng hàng giờ với nước trà đậm pha muối ăn. Hoặc dùng nước ấm pha với 20 giọt sáp ong súc họng là thanh quản sớm trở lại bình thường. Nếu khàn giọng, mất tiếng mà có nhiều đờm thì ngâm ít củ hành thái lát trong nước ấm vài giờ, rồi súc miệng với nước đó.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân nên nghỉ ngơi khi khàn giọng, mất tiếng. Nhà cửa luôn giữ đủ ẩm. Ăn uống, sinh hoạt điều độ, kiêng các thức ăn nhiều gia vị, đá lạnh, rượu, cà phê. Đặc biệt tránh xa thuốc lá vì chúng phá hủy tác dụng của các liệu pháp trên.
 
Xử lý khi chảy máu cam

Đề phòng chảy máu mũi, TS.BS Phạm Hữu Lợi khuyến cáo cần giữ không khí trong phòng luôn đủ ẩm. Hiệu quả nhất là dùng bình xịt nước biển hoặc nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày để có độ ẩm cho niêm mạc mũi. Nếu dùng điều hòa, máy sưởi nên có thêm máy tạo ẩm, chí ít cũng đặt chậu nước lớn gần điều hòa.

TS. BS Phạm Hữu Lợi cho biết, ngoài chứng khàn hay mất tiếng, hiện tượng chảy máu cam cũng rất hay xảy ra khi thời tiết hanh khô. Chứng bệnh này thường xảy ra bất ngờ, không có dấu hiệu báo trước.
 
Thông thường, mọi người theo thói quen hay xì, hoặc ngoáy mũi làm tổn thương các mao mạch và chảy máu. Một số "thủ phạm" khác như viêm nhiễm, dị ứng, mắc chứng cao huyết áp, dùng nhiều đồ uống có cồn... cũng gây chảy máu cam. Chứng này xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trẻ em nhiều hơn. Điểm chảy máu chủ yếu từ phần trước mũi, nơi tập trung nhiều mạch máu đi qua (khoảng 80% trường hợp).

Theo TS. BS Phạm Hữu Lợi, khi chảy máu cam cần cầm máu nhanh bằng cách hơi nghiêng đầu về phía trước (ngồi xuống hoặc ở nửa đứng nửa ngồi), dùng ngón tay ấn chặt cánh mũi 5 - 10 phút. Có thể dùng bông gòn đặt vào lỗ mũi chảy máu và dịt chặt. Ở nhà có thể lấy chút tóc đốt thành than, vo thành bột mịn, đặt vào bên lỗ mũi chảy máu rồi hít mạnh là máu sẽ ngừng chảy. Nếu máu chảy lâu, có thể chườm lạnh cầm máu, tốt nhất là đặt ở gốc mũi viên nước đá bọc trong vải, lạnh sẽ làm co mạch và máu ngưng chảy. Nhưng nếu bệnh nhân bị chảy máu quá 15 phút cần nhanh chóng tới bệnh viện để được soi mũi, chữa trị cẩn thận.
 
Trẻ em chảy máu cam thường rất sợ, ngoài ôm trẻ vào lòng, nên nghiêng trẻ sang một bên (không đặt nằm ngửa vì máu dễ chảy xuống họng làm trẻ nôn) và tiến hành cầm máu. Lưu ý là sau 1 - 1,5 giờ hãy lấy bông ra khỏi mũi, Lúc này thường có cục máu đông nhỏ, nên lấy bông nhẹ nhàng kẻo máu lại chảy.

Theo TS. BS Phạm Hữu Lợi, nếu lấy bông ra mà máu tiếp tục chảy, hoặc chảy máu cam thường xuyên (1 tuần/lần) thì phải đi khám để tìm nguyên nhân chữa trị. Nếu chảy máu cam mà không đau thì đó chỉ là chảy máu cam thông thường, có thể chảy máu cam do nhiệt và châm cứu sẽ đỡ. Nhưng chảy máu mà đau ở vùng xoang, hai bên cánh mũi, trán, hốc mắt thì cần đi khám vì đó là biểu hiện bệnh lý.

Những ngày lạnh, các bà nội trợ nên bổ sung vitamin C, các loại rau quả tươi cho mọi người trong nhà bởi chúng có tác dụng ngừa chảy máu cam thông thường. Nên bỏ thói quen ngoáy mũi. Không nên bôi kem, vaselin vào trong mũi vì không giúp phục hồi độ ẩm của niêm mạc. Các thuốc xịt mũi cũng không tốt vì có thể làm tình trạng khô mũi nặng hơn.
 
Hà Dương
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]