Phòng bệnh viêm họng cấp ở trẻ em

Họng với nhiều chức năng sinh lý khác nhau như: nuốt, thở, phát âm, vị giác… là ngã tư đường ăn và đường thở, là cửa ngõ của không khí, thức ăn và nước uống, cho nên là nơi rất thuận lợi cho virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể để gây bệnh, đặc biệt là viêm họng cấp ở trẻ em.

0

Nguyên nhân gây bệnh thường

Bệnh viêm họng cấp chiếm tỷ lệ hàng đầu trong số lần khám tại các phòng khám nhi khoa. Bệnh xuất hiện do vi khuẩn như: phế cầu, liên cầu hoặc các vi khuẩn khác sẵn có ở họng hay virus gây nên như: virus cúm, sởi… Nguy hiểm hơn cả là do liên cầu trùng bê-ta tan máu nhóm A gây nên, từ viêm họng dẫn đến biến chứng thấp tim, thấp khớp, viêm thận. Một số nguyên nhân khác cũng có thể làm cho trẻ em viêm họng như: do khói thuốc lá, do bụi bẩn, do môi trường sống của bé không trong sạch, do bị dị ứng mãn tính, hay do nhiệt độ phòng ngủ của bé không thích hợp…

Về triệu chứng, viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột, sốt cao 39 - 40oC, kèm theo đó là nuốt đau, rát họng, khàn tiếng có thể kèm theo các triệu chứng khác như: chảy nước mũi nhầy, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan, trẻ mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn, đặc biệt hay có viêm tấy hạch vùng cổ, hạch góc hàm sưng, đau… Với bé còn bú mẹ, viêm họng thường kèm theo bú ít hoặc bỏ bú, há miệng khi ngủ, bức rứt khó chịu và quấy khóc. Với trẻ lớn hơn thường kêu đau vùng họng, chán ăn nên dễ làm cho cha mẹ nhầm tưởng rằng đó là những dấu hiệu khó chịu khi bé mọc răng…
 
Nếu thân nhiệt của trẻ trên 38ºC thì nên đưa trẻ tới bác sĩ. Ảnh minh họa.

Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày là khỏi hẳn, nếu kéo dài hơn dễ gây nên các biến chứng, nhất là vào tuần thứ hai, thứ ba như: thấp khớp, thấp tim, viêm cầu thận cấp, bệnh viêm tấy quanh amiđan, viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm hạch mủ, nhiễm trùng huyết. Ở trẻ em, khi bị viêm họng cấp, ngoài những biến chứng kể trên, nguy hiểm nhất là có thể gây bệnh thấp tim, thấp khớp và viêm cầu thận ở trẻ em, do liên cầu trùng bê-ta tan máu nhóm A, từ viêm họng kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể gây ảnh hưởng đến tim, khớp và cầu thận. Khi bị biến chứng viêm họng do liên cầu khuẩn, trẻ có các dấu hiệu sốt, đau họng, ho, tiếp đến là sưng, nóng các khớp, đặc biệt là sưng khớp gối, khớp khuỷu và chạy từ khớp này sang khớp khác. Sưng khớp và khớp di chuyển là một yếu tố quan trọng để nhận biết nguy cơ bị thấp tim ở bệnh nhân. Và một biến chứng phổ biến nhất là chuyển từ viêm họng cấp tính trở thành viêm họng mãn tính, đây là cơ hội để bệnh tái đi tái lại nhiều lần.

Về điều trị, với em bé dưới 1 tuổi khi bị sốt, có thân nhiệt trên 38ºC thì nên cần nhanh chóng được thăm khám, tốt nhất là bác sĩ chuyên khoa nhi, tránh tự ý điều trị, vì trẻ em sốt cao rất dễ đưa đến co giật, lau mát cho trẻ bằng nước ấm, tránh ủ nhiều quần áo, thực hiện đúng theo toa thuốc của bác sĩ, sau khi uống thuốc theo toa vẫn chưa đỡ, sau 24 - 48 giờ, bệnh không thuyên giảm thì cần nhập viện để theo dõi và điều trị.

Phòng bệnh được không?

Ông cha ta có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh” vì vậy, cần có giải pháp để phòng bệnh. Cần vệ sinh họng, răng, miệng hàng ngày như: đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng. Khi mắc bệnh răng, miệng, xoang, mũi... cần được điều trị dứt điểm tránh để mầm bệnh tồn tại và lây lan vào gây viêm họng. Khi viêm họng có chỉ định điều trị, cần thực hiện nghiêm túc, uống thuốc theo toa, đúng phác đồ kháng sinh được kê toa. Cần cho bé uống đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian, không được tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị vì điều trị không đúng sẽ để lại tình trạng kháng thuốc, làm cho điều trị sau này gặp nhiều khó khăn do tình trạng kháng thuốc. Cần đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường để tránh khói bụi. Tránh cho trẻ uống nước quá lạnh hoặc quá nóng hay có thói quen ngậm kẹo hay ăn kem.
 
Với phòng ngủ, cần thoáng mát, nếu có điều hòa nhiệt độ cần giữ ở mức nhiệt độ mát mẻ dễ chịu, nhiệt độ lý tưởng cho trẻ là khoảng 24 – 26oC. Nếu sử dụng quạt, nên cho trẻ nằm quạt tốc độ lớn trong thời gian ngắn giúp trẻ dễ ngủ, sau đó giảm dần cường độ, quạt phải luôn được quay thay đổi hướng gió. Tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước, tốt nhất là nước đun sôi để nguội, đánh răng sau mỗi bữa ăn, tập thể dục. Tập thói quen rửa tay trước khi ãn và rửa tay sau khi đi vệ sinh. Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhỏ còn bú mẹ, cần thực hiện tốt chế độ nuôi dưỡng tốt, dinh dưỡng cân bằng đủ dưỡng chất, uống vitamin A đầy đủ theo hướng dẫn, tắm nắng chống còi xương, suy dinh dưỡng. Luôn giữ cho trẻ ấm áp, tránh gió lùa, tránh tập trung nơi đông người, tránh nơi môi trường bị ô nhiễm, khói bụi.

Đối với phòng bệnh thấp tim, cần được dự phòng bằng kháng sinh penicillin. Theo ước tính, có khoảng 5% trẻ em bị nhiễm khuẩn hô hấp do liên cầu. Dự phòng bằng cách tiêm bắp, với liều duy nhất penicillin benzathin, với trẻ dưới 10 tuổi dùng 600.000 UI, trên 10 tuổi 900.000 UI. Hoặc có thể dùng penicillin V bằng đường uống với liều 200.000 - 250.000 UI, uống 3 hay 4 lần trong ngày, uống 10 ngày liền. Nếu bệnh nhi có phản ứng với penicillin thì cho uống erythromycin với liều 45mg/kg thể trọng trong một ngày, uống liền trong 10 ngày. Hiện nay vắc-xin chủng ngừa liên cầu trùng bê-ta tan máu nhóm A đã thực hiện thành công, nhưng giá thành còn cao.

Theo BS.CKI. Trần Quốc Long
SKĐS

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]