Phòng bệnh viêm não virus bằng cách nào ?

Cần biết - Bệnh viêm não virus hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia y tế, sắp tới sẽ là mùa cao điểm của bệnh viêm não virus, trong đó có viêm não Nhật Bản.

15.5948

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có cuộc trao đổi với báo chí về nguyên nhân, cũng như cách phòng chống bệnh viêm não virus. Bác sĩ cho biết, các căn nguyên gây viêm não ở nước ta thường là các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột, sởi, quai bị và các virus khác chưa biết rõ... Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus đó nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua xét nghiệm xác định virus. Căn cứ vào nguyên nhân trên, chúng ta phải phòng chống một cách thích hợp.

Đối với các virus arbo, bệnh lây qua côn trùng như muỗi, ve,… Việc quan trọng nhất là hạn chế các nguy cơ bị côn trùng, muỗi đốt khi sinh hoạt hoặc làm việc ngoài trời, đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn (là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất) thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay chân, sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ. Đồng thời, phải thường xuyên vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi ở những nơi có mật độ muỗi cao…

Đối với các chủng virus như herpes, sởi, quai bị… bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, chúng ta cần phải cách ly người bệnh và hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Trong số các chủng virus này, một số chủng virus gây bệnh đã có vaccine phòng bệnh như sởi, quai bị, vì vậy cần phải chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh và những biến chứng viêm não của các bệnh này.

Đối với các virus đường ruột, bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, việc vệ sinh cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu (trong đó việc rửa tay với xà phòng là biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả) do hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu.

Đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản, đã có vaccine phòng bệnh, vì vậy người dân cần thực hiện tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Đây cũng là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vaccine thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vaccine hiệu lực bảo vệ đạt 90 - 95% trong khoảng 3 năm. Do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản: mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Nguồn: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]