Phòng bị kỹ con tôi vẫn đau mắt đỏ

Hà Nội đang bước vào đỉnh dịch đau mắt đỏ, nhiều bé bị lây bệnh dù cha mẹ đã phòng ngừa rất kỹ.

15.5776

Cả nhà đổ xô đi viện vì đau mắt đỏ

Ngồi chờ đến lượt khám chị Hà ở Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, hôm nay cả nhà chị phải đưa nhau đi khám vì bệnh đau mắt đỏ. Cách đây 5 hôm, cô con gái mới học mẫu giáo về nhà kể lớp con có 3 bạn nghỉ học vì đau mắt đỏ. Tuy nhiên, chị Hà vẫn cẩn thận nhỏ nước muối rửa mắt cho con trước khi đi ngủ. Vậy mà chỉ 3 hôm sau con gái chị kêu nhức, cộm mắt. Nguy hiểm hơn, ngày hôm qua thì 2 vợ chồng chị và cô giúp việc cũng bắt đầu thấy nhức, cộm và có dỉ mắt. Con gái chị là người bị nặng nhất, do ngứa ngáy bé liên tục đưa tay dụi mắt khiến mắt đỏ lừ, gỉ mắt nhiều, bé quấy khóc không chịu ăn uống. Sáng nay cả 2 vợ chồng chị phải xin nghỉ làm, kéo cả nhà đi vào BV Mắt Trung ương khám.

Tại khu vực chờ khám, có rất nhiều bệnh nhân là người thân trong gia đình. Khác với chị Hà, bé Tuấn con anh Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại bị lây bệnh đau mắt đỏ từ bố. Anh Thanh kể, phòng anh ban đầu có 1 người bị đau mắt đỏ, sau đó có thêm 5 người nữa mắc, trong đó có anh Thanh.

Mắc bệnh cách đây 1 tuần, anh Thanh không đến bệnh viện mà ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc về tra mắt. Do nhà có con trai mới được 3 tuổi nên anh Thanh rất có ý thức phòng lây bệnh cho con. Hằng ngày, anh đều đeo kính đen, liên tục rửa tay bằng nước sát khuẩn và ngủ riêng một phòng. Vậy mà, không hiểu sao cả con trai, vợ và bố mẹ. em trai anh Thanh đều lần lượt bị đau mắt đỏ. Mẹ anh và cu Tuấn là người bị nặng nhất, hai mắt đỏ lừ, đau buốt và liên tục chảy nước, chảy gỉ. Hôm nay, 6 người nhà Thanh cũng phải lũ lượt kéo nhau vào viện.

BS Hoàng Cương, BV Mắt TƯ cho biết, Hà Nội đang bước vào đỉnh dịch đau mắt đỏ. 2 tuần gần đây, số bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ rất đông, mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận 100-150 ca.  

Điểm đặc biệt là năm nay BV tiếp nhận rất nhiều trường hợp cả gia đình đều bị đau mắt đỏ, từ người ông bà già, bố mẹ đến trẻ nhỏ. Trẻ em bị đau mắt đỏ do lây từ các bạn ở trường hoặc từ chính người lớn trong gia đình. Nguy hiểm hơn, có nhiều trẻ bị biến chứng viêm kết, giác mạc do trẻ nhỏ không giữ vệ sinh tốt, không chịu được ngứa nên thường xuyên dụi mắt dẫn tới biến chứng”, bác sĩ Cương nói.

Người lớn mắc bệnh rất dễ lây sang trẻ nhỏ

Phòng bệnh cho trẻ như thế nào?

Tại phòng khám rất nhiều bậc cha mẹ thắc mắc tại sao trẻ vẫn lây bệnh dù người lớn trong nhà đã áp dụng đủ biện pháp phòng bệnh như liên tục đeo kính đen, thường xuyên rửa tay và ngủ khác phòng với trẻ trong thời gian mắc bệnh.

Lý giải điều này, bác sĩ Hoàng Cương cho biết: “Bệnh đau mắt đỏ là bệnh dễ lây truyền, dễ tạo thành dịch. Đáng sợ nhất là giai đoạn ủ bệnh, có tốc độ lây truyền bệnh rất nhanh. Ở giai đoạn này người bệnh chưa có biết mình sẽ bị đau mắt đỏ nên không thể phòng ngừa cho người thân trong gia đình. Chính vì thế nên đau mắt đỏ thường lây lan ra nhiều người trong gia đình, cùng văn phòng hoặc trẻ cùng lớp học. Ngay cả khi khỏi, người bệnh cũng có thể lây cho người khác trong vòng 1 tuần. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng virus gây bệnh đau mắt đỏ có thể tồn tại trên các bề mặt dung cụ gia đình và dụng cụ y tế tới 35 ngày”.

Ngoài ra, theo bác sĩ Cương nhiều cha mẹ có thói quen cả nhà dùng chung một lọ nước muối sinh lý hoặc thỉnh thoảng tiện tay dùng khăn mặt của người lớn rửa mặt cho trẻ. Chính thói quen này đã khiến trẻ bị lây bệnh dù trẻ đã được cách ly không tiếp xúc quá gần với người bệnh.

Do đó, bác sĩ Cương khuyến cáo người bệnh cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn, đặc biệt là sau mỗi lần chạm tay vào mắt hoặc dính vào nước mắt, dỉ mắt, chứ không chỉ rửa tay sau mỗi lần tra thuốc. Bởi trẻ em và người lớn đều có thể lây bệnh do việc các vật dụng trong gia đình dù đã tránh tiếp xúc gần với người bệnh.

Nếu trong gia đình có nhiều người cùng bị đau mắt đỏ, dù đơn thuốc có giống nhau cũng phải dùng khác lọ, tuyệt đối không dùng chung lọ thuốc, lọ nước muối tra mắt nhằm tránh lây bệnh chéo, khiến tình trạng bệnh càng nặng thêm.

Thực chất bệnh đau mắt đỏ không quá đáng lo ngại, nếu chăm sóc, giữ vệ sinh mắt đúng cách bệnh có thể khỏi sau 7-10 ngày mà không phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý mua các loại thuốc nhỏ mắt về dùng mà không có thăm khám và chỉ định của bác sĩ.  Bởi nếu lạm dụng thuốc tra có chứa corticoid sẽ dẫn tới biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù lòa”, bác sĩ Cương cho biết

Trẻ em thường không chịu được cảm giác ngứa, cộm mắt khi bị đau mắt đỏ nên thường có thói quen đưa tay lên dụi mắt. Chính hành vi này dễ gây biến chứng viêm kết, giác mạc. Do đó, cha mẹ cần phải thường xuyên giám sát trẻ, nên đưa trẻ đi khám ngay từ lúc bệnh còn nhẹ, bệnh sẽ nhanh khỏi hơn. Nếu để nặng trẻ sẽ quấy khóc, biếng ăn vì khi đó mắt sẽ bị đau nhói, cộm, nhức, khó chịu vô cùng.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]