Phòng biến chứng viêm tinh hoàn do quai bị

SKĐS - Quai bị là bệnh lành tính nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó hay gặp là viêm tinh hoàn…

15.6033

Quai bị là một bệnh lý toàn thân, cấp tính do nhiễm virut và dễ lây lan, với biểu hiện rõ nhất là sốt và sưng một hoặc cả hai bên tuyến mang tai. Thông thường người bệnh chỉ cảm thấy hơi đau song cũng có trường hợp đau nặng không ăn uống được.

Bệnh có diễn biến lành tính, các triệu chứng lui trong vòng khoảng 10 ngày và không để lại di chứng gì, tuy nhiên với bệnh nhân lớn tuổi thường cường độ các triệu chứng toàn thân (sốt, đau đầu…) cao hơn, các biến chứng hay gặp và nguy hiểm hơn. Tỷ lệ 20 - 30% các trường hợp gặp ở trẻ em trai trong tuổi dậy thì.

Ảnh minh hoạ

Để phòng bệnh quai bị biện pháp hiệu quả nhất là tiêm vắc - xin phòng bệnh. Trong trường hợp đã mắc bệnh, có biểu hiện sốt, sưng tuyến mang tai người bệnh cần đến cơ sở y tế khám và được hướng dẫn chăm sóc và điều trị. Bệnh nhân mắc quai bị có thể điều trị tại nhà. Đây là bệnh dễ lây nên người bệnh cần cách ly, không dùng chung đồ dùng cá nhân như bát đũa, khăn mặt, bàn chải đánh răng,...; không nên làm việc nặng. Trẻ mắc bệnh không cho đến trường, các khu vực vui chơi công cộng để tránh lây bệnh. Có thể dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ như dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, chăm sóc răng miệng sạch sẽ, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Không nên tự ý dùng kim châm, chọc hoặc bôi, đắp những các loại lá, vôi, trầu,... không đảm bảo vệ sinh, dễ gây nhiễm khuẩn. Đặc biệt, khi mắc quai bị cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động tránh đi lại nhiều vì nếu bị viêm tinh hoàn mà vận động đi lại nhiều sẽ làm cho tinh hoàn sưng đau nhiều hơn, khó phục hồi hơn. Cần theo dõi có sưng đau ở tinh hoàn không.

Viêm tinh hoàn xuất hiện trong khoảng 7 - 10 ngày sau khi sưng tuyến mang tai. Phần lớn viêm tinh hoàn chỉ xảy ra ở một bên với biểu hiện sốt cao, lạnh run, nôn ói, đau bụng, tinh hoàn sưng to và đau nhức. Bệnh nhân đau tinh hoàn và có thể sưng to gấp 3 - 4 lần bình thường. Thường thì sưng 1 bên, cũng có thể sưng 2 bên. Tình trạng này kéo dài khoảng 3 - 7 ngày thì giảm bớt, sau 2 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có teo hay không.Nếu bị teo tinh hoàn 2 bên thì khả năng vô sinh rất cao.Trong những trường hợp còn lại, quá trình sinh tinh có thể dần dần trở về bình thường.

Nam giới bị quai bị cần chú ý đến biến chứng viêm tinh hoàn.Nếu có biểu hiện viêm tinh hoàn cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị.Nếu khả năng sinh tinh khó phục hồi bệnh nhân cần đến các bệnh viện chuyên khoa điều trị vô sinh để được lưu trữ tinh trùng khi chất lượng tinh trùng chưa giảm nhiều cho đến khi cần sử dụng.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà

 

Tiêm phòng vắc- xin quai bị: Đây là loại vắc -xin sống giảm độc lực. Vắc- xin có thể dùng đơn độc hoặc vắc -xin kết hợp sởi, quai bị và Rubella. Trẻ 12 đến 14 tháng tuổi tiêm phòng mũi vắc -xin kết hợp, liều thứ 2 nhắc lại khi trẻ được 4 đến 6 tuổi. Tiêm chủng quai bị rất quan trọng ở những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch chống quai bị.

Phụ nữ có thai bị bệnh nếu có điều kiện tiêm globulin miễn dịch đặc hiệu, dùng 1 liều duy nhất.

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]