Phong cách Lê Vượng

Lê Vượng cho là để chớp lấy khoảnh khắc, phải bấm liên tục 6 cái mới mong được một cái ưng ý. Lúc ấy mà còn dừng lại lắp chân máy thì sao chớp được!

15.5925
Lần giở bản thảo tập sách ảnh Những khoảnh khắc đẹp của Lê Vượng, tôi chợt nhớ đến tuyển tập ảnh của Henri Cartier Bresson mang tên là Khoảnh khắc quyết định, xuất bản ở Paris năm 1952, trong đó nhà nhiếp ảnh Pháp định nghĩa khái niệm này theo quan niệm riêng của mình.

HCB (tên viết tắt của Henri Cartier Bresson) là một khuôn mặt huyền thoại trong giới nhiếp ảnh quốc tế thế kỷ 20, vì ông sống gần một trăm tuổi (mất năm 2004) nên ống kính độc đáo của ông là nhân chứng một thời đại.

Dĩ nhiên “nắm lấy” hay “chớp lấy” khoảnh khắc của sự vật qua ống kính là một đặc điểm của nhiếp ảnh, nhất là khi chụp cái động.

Lê Vượng cho là để chớp lấy khoảnh khắc, phải bấm liên tục 6 cái mới mong được một cái ưng ý. Lúc ấy mà còn dừng lại lắp chân máy thì sao chớp được! Đó có lẽ là ứng xử chung của các nhà nhiếp ảnh nhà nghề. Nhưng bấm máy chỉ là một động tác máy móc. Nó có thành công đem lại một bức ảnh đẹp hay không lại do cái vốn tổng hợp và hiểu biết, tư duy tình cảm của người bấm máy quyết định. Như nhà nhiếp ảnh Mỹ lừng danh Fred J. Maroon nhận định: “Khi ta chụp ảnh, không  những ta thể hiện cái tài của mình mà còn thể hiện những giá trị mà mình hun đúc được trong suốt cuộc đời mình”. 

Điều này quả đúng với Lê Vượng. Nghệ sĩ lão thành này bước vào tuổi 93, đã tự rèn luyện nghề nghiệp từ năm 18 tuổi.

Những trải nghiệm mang đến cho ảnh của ông một phong cách riêng.

Nghệ sĩ Lê Vượng

Từ khi nhiếp ảnh ra đời, về mặt nghệ thuật có rất nhiều trường phái và khuynh hướng: hiện thực, siêu thực, trừu tượng, đađa, ghép ảnh... cho đến nghệ thuật khái niệm hiện đại. Lê Vượng không chạy theo một trường phái nào cả, ảnh ông tìm cái đẹp cổ điển, chân phương, rất gần hội họa do bố cục, đường nét, màu sắc, nhất là ảnh phong cảnh. Đặc biệt về màu sắc, ảnh của ông gần hội họa Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tuợng (ảnh: Xuân về, Sáng sớm, Hoa gạo đầu thôn…). Lê Vượng vốn thích hội họa từ nhỏ, thích đọc sách hội hoạ, lại có ông chú là họa sĩ Lê Phổ nổi tiếng quốc tế (tôi có học thày Lê Phổ ở trường Bưởi, trước khi thày sang lập nghiệp ở Pháp). Lê Vượng làm việc lâu năm ở NXB Mỹ Thuật và Viện Bảo tàng Mỹ thuật, giao lưu với nhiều họa sĩ nên dĩ nhiên chịu ảnh hưởng nhiều của hội họa.

Có lần, một anh bạn nhiếp ảnh Pháp là Fryman, đồ đệ của Bresson tâm sự với tôi: “Bấm máy tạo ra một bức ảnh đẹp chưa đủ, bức ảnh còn phải có một ý nghĩa”. Điều này rất đúng với ảnh của Lê Vượng. Tập ảnh Những khoảnh khắc đẹp toát ra nhiều ý nghĩa ở từng bức.

Trước hết, ta thấy dư vị “lãng mạn của lãng du” từ những năm 30 thế kỷ trước, thế hệ ông sống thời Pháp thuộc. Cuộc sống đã mang đến cho ông hoàn cảnh thuận lợi. Vào tuổi đôi mươi, ông đã được theo cậu là chủ một hiệu ảnh lang thang đi chụp ở Lào, Cao Miên. Thời Pháp thuộc không dễ được đi như vậy! Còn thời Cách mạng, công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật tạo điều kiện cho ông đi khắp mọi nơi để chụp những di sản văn hoá, đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm, tranh tượng… Tuổi già, con cháu lại tạo điều kiện cho ông đi chụp ở nước ngoài Mỹ, Nhật, Rumani…

Mặc dù lãng mạn, ảnh của ông lại mang tính chính xác, nhiều bức mang đậm tính dân tộc học vì ông chụp cho Bảo tàng Mỹ thuật hàng vạn phim ảnh làm tư liệu nghiên cứu. Đáng kể là những đề tài nghệ thuật Chăm, lăng tẩm Huế, và đặc biệt là những sắc màu váy áo dân tộc. Bộ này gồm 70 bức ghi lại những  nét độc đáo của đồng bào thiểu số, được thực hiện trong 10 năm lao động với vốn nghiên cứu tích lũy được từ Viện Bảo tàng, có khi ông còn mượn trang phục ở Viện cho đồng bào dân tộc mặc vì có một số trang phục cổ xưa không còn trong đời sống hiện đại. Nhưng con người dân tộc học ở Lê Vượng thường phải nhường chỗ cho con người nghệ sĩ chỉ muốn tìm cái đẹp của dân tộc. Ông không muốn ống kính hướng vào hình ảnh gì không đẹp mắt. Ông chụp người công nhân khi lao động chứ không chụp họ khi nhem nhuốc bụi than. Ông không thích chụp người già ở Tây Nguyên mặt nhăn nheo, tai chảy dài. Toàn bộ ảnh của ông thể hiện những nét đẹp độc đáo của dân tộc Việt Nam, khơi dậy tình yêu quê hương và mang tính xa lạ (exotic) rất lôi cuốn người nước ngoài.

Hữu Ngọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]