Phòng chống dịch bệnh chưa tốt

Đa phần người dân đã hiểu về bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết nhưng ý thức thực hiện biện pháp khử khuẩn, làm vệ sinh môi trường, đồ dùng… vẫn chưa cao

0

Ngày 13-9, hai đoàn kiểm tra của Sở Y tế TPHCM đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại hai quận 12 và Tân Phú. Ghi nhận cho thấy công tác phòng chống dịch bệnh ở đây còn rất quan ngại.

Cứ nghĩ mọc răng!

Tại quận 12, từ đầu năm đến nay có 363 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần 130% so cùng kỳ năm 2010, trong đó 2 trường hợp tử vong. Một ổ dịch bệnh tay chân miệng với gần chục ca mắc ở quận này là tổ dân phố 32A, khu phố 2, phường Tân Chánh Hiệp. Ông Nguyễn Văn Tiến, nhân viên Trạm Y tế phường Tân Chánh Hiệp, cho biết tổ 32A có 175 hộ dân, hai ký túc xá sinh viên, trong đó có 43 trẻ dưới 5 tuổi.
Tại đây chưa có hệ thống cấp thoát nước dẫn đến ao tù nước đọng nên là điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sống. Trong khu vực này, hộ có con nhỏ (bé gái 2 tuổi) mới vừa điều trị khỏi bệnh tay chân miệng là nhà bà Trần Thị L. Nhà này cũng đang nuôi một bé trai mới 5 tháng tuổi. Bà L. cho biết con bà chưa gửi nhà trẻ. Cách đây 4 ngày, bé bỗng dưng bị sốt nhưng người nhà cứ nghĩ bé mọc răng. Khi đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 mới biết con mắc tay chân miệng. Qua kiểm tra cho thấy người nhà không biết bảo quản cũng như pha hóa chất cloramin B vệ sinh phòng dịch.

Theo ông Nguyễn Thành Trọng, Chủ tịch UBND phường Tân Chánh Hiệp, trong tổng số 53 ca mắc bệnh tay chân miệng trên toàn địa phương từ đầu năm đến nay thì riêng tổ này đã có 7 trẻ mắc bệnh. Riêng về dịch bệnh sốt xuất huyết toàn phường đã có 58 ca mắc.

Khử khuẩn “nửa vời”

Tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, qua kiểm tra các hộ dân có sử dụng chất khử khuẩn cloramin - B được cung cấp để vệ sinh nhà cửa, đồ dùng của bé nhưng phần lớn pha chế sai nồng độ, không thực hiện khử khuẩn thường xuyên.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM (bìa phải), kiểm tra ý thức vệ sinh

của trẻ tại một trường mầm non thuộc phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 - TPHCM. Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Tại trường mầm non A. thuộc phường Tây Thạnh, tất cả những đồ chơi mà các bé dùng thường xuyên đều được khử trùng, tuy nhiên những trò chơi tập thể như nhà banh, xe… thì rất hiếm khi được vệ sinh. Tại nhóm trẻ H.P, việc khử khuẩn được tiến hành khá nghiêm ngặt nhưng một số món đồ chơi chung như xe đạp, xe hơi… cũng chỉ được khử khuẩn mỗi tuần một lần.

Theo thạc sĩ – bác sĩ Phan Tứ Quý, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, thành viên đoàn kiểm tra, các đồ chơi tập thể ở trường mầm non cần được khử khuẩn kỹ mỗi ngày.

Vẫn “nóng” ở các khu nhà trọ

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Phú, nhận định những yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tay chân miệng lẫn sốt xuất huyết chủ yếu nằm ở các khu đông người nhập cư và phường Tân Quý – phường giáp ranh nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Hiện toàn quận có khoảng 40% dân số là người nhập cư, sinh sống trong các khu nhà trọ, điều kiện vệ sinh không bảo đảm.
Ông Phạm Hưng Út, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết hiện dịch bệnh tay chân miệng đã giảm hẳn, nhưng sốt xuất huyết lại đang tăng mạnh, trở thành mối lo hàng đầu. Hiện nay, quận vẫn đang tập trung phòng dịch tại 114 nhóm trẻ và hơn 80 trường học trên địa bàn. Việc đẩy mạnh công tác khử khuẩn đến các khu vực tập trung đông dân nhập cư và các phường nghèo, ở gần các công trình, nghĩa trang vẫn được chú trọng. Các điểm sinh hoạt tập thể như khu vui chơi, quán ăn cũng được phát cloramin - B để khử khuẩn.

Nên truyền thông “cầm tay chỉ việc”

Ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhận định: “Công tác tuyên truyền đến cộng đồng vẫn còn khó khăn do nhận thức và trình độ của người dân, nỗi lo cơm áo gạo tiền. Nhiều người dân đã có nhận thức khá rõ về bệnh nhưng lơ là”. Theo thạc sĩ  - bác sĩ Trần Lâm Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TPHCM, phó trưởng đoàn kiểm tra số 6, phương pháp truyền thông hiệu quả nhất vẫn là “cầm tay chỉ việc”, thông qua đội cộng tác viên tại địa phương, phổ biến cách thức pha thuốc, kiến thức bệnh qua những phần thị phạm cụ thể, các trò chơi… Nội dung tuyên truyền nên ngắn gọn để người dân dễ tiếp thu.

ANH THƯ- NGUYỄN THẠNH

Các bài liên quan

  •   30/08/2011
  •   25/08/2011
  •   21/08/2011
  •   17/08/2011
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]