Phòng chống thiếu vitamin A ở trẻ em

Trẻ em bị thiếu vitamin A sẽ gây ra triệu chứng quáng gà, dẫn tới khô mắt, nhuyễn biểu mô kết giác mạc gây mù lòa.

15.5972

Tầm quan trọng của vitamin A đối với trẻ em

Vitamin A được biết đến từ rất lâu nhưng cho đến nay, thiếu Vitamin A vẫn đang là một vấn đề sức khỏe cần được giải quyết. Nhiều chức phận quan trọng của Vitamin A đối với cơ thể đã được khoa học ngày càng làm sáng tỏ.

Vitamin A là một trong 3 loại vi chất (Iốt, Vitamin A, Sắt) đang được quan tâm vì sự thiếu hụt các vi chất này ở các nước đang phát triển đã và đang trở thành vấn đề có ý nghĩa đối với sức khoẻ cộng đồng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên thế giới có khoảng 3 triệu trẻ em bị khô mắt (tổn thương mắt do thiếu Vitamin A dẫn đến mù loà) và có tới 251 triệu trẻ bị thiếu Vitamin A nhưng chưa tới mức bị khô mắt (thiếu Vitamin A cận lâm sàng).

Ở Việt nam, trước đây hàng nǎm có khoảng 5000 – 6000 trẻ em bị mù hoàn toàn do thiếu Vitamin A. Chỉ riêng tại trường trẻ em mù Nguyễn Đình Chiểu (Tp. Hồ Chí Minh) trước đây đã phát hiện có hơn một nửa số trẻ bị mù là do nguyên nhân thiếu Vitamin A.

Trong những nǎm vừa qua, nhờ triển khai tốt chương trình bổ sung Vitamin A liều cao dự phòng trên phạm vi toàn quốc mà chúng ta đã giải quyết cơ bản tình trạng khô mắt ở trẻ, không còn mối đe doạ mù loà cho trẻ em chúng ta. Tuy nhiên thiếu Vitamin A vẫn còn tồn tại, mức Vitamin A trong máu vẫn dưới mức bình thường.

Ý nghĩa quan trọng của vấn đề là ở chỗ: thiếu Vitamin A không chỉ gây khô mắt dẫn tới mù loà mà nó còn làm tǎng nguy cơ tử vong, bệnh tật và làm giảm sự tǎng trưởng của trẻ. Chính vì vậy tiếp tục quan tâm phòng chống thiếu Vitamin A là thiết thực cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ cho con em chúng ta.


Đối tượng trẻ em dễ bị thiếu vitamin A

Trẻ em dưới 3 tuổi dễ bị thiếu Vitamin A do trẻ đang lớn nhanh cần nhiều Vitamin A, ở tuổi này do chế độ nuôi dưỡng thay đổi (giai đoạn ǎn bổ sung, cai sữa) và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nên có nguy cơ thiếu Vitamin A.

Trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh sởi, viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài vào suy dinh dưỡng nặng có nguy cơ thiếu Vitamin A.

Bà mẹ đang cho con bú nhất là trong nǎm đầu, nếu ǎn uống thiếu Vitamin A thì trong sữa sẽ thiếu Vitamin A dẫn đến thiếu Vitamin A ở con. Trẻ không được bú mẹ thì nguy cơ thiếu Vitamin A càng cao.

Cách phòng chống thiếu vitamin A ở trẻ em

Phụ nữ khi có thai và trong thời kỳ cho con bú cần được ăn đủ lượng và chất hàng ngày, uống nước nhiều và nghỉ ngơi đầy đủ để đảm bảo con sinh ra được khoẻ mạnh. Chú ý trong thời gian 3 tháng đầu có thai, phụ nữ không được uống vitamin A liều cao vì có thể xảy ra dị dạng bẩm sinh cho thai nhi.

Cần nuôi con bằng sữa mẹ ngay từ khi mới đẻ cho đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc hơn.  Từ tháng thứ 4 trở đi cần cho trẻ ăn dặm để đảm bảo thức ăn cung cấp đủ vitamin A, chất đạm và chất béo cũng như muối khoáng hàng ngày.

Nên đọc

Vitamin A có nhiều trong các thức ăn có nguồn gốc động vật như gan, lòng đỏ trứng, cá, sữa nhưng có rất ít trong thịt nạc. Chất tiền vitamin A có nhiều trong các loại quả, củ có màu đỏ hoặc màu vàng sẫm như gấc, bí ngô, xoài, hồng, khoai lang nghệ, quả trứng gà…; các loại rau có màu xanh sẫm như rau ngót, rau cải, rau  mồng tơi, rau dền, rau đay, rau lang, thì là, súplơ...

Khi trẻ từ  6 tháng tuổi trở đi, cần cho trẻ đi uống vitamin A liều cao bổ sung định kỳ 6 tháng/lần theo lịch của cơ quan y tế.

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu thiếu vitamin A đầu tiên như quáng gà, khô lòng trắng mắt, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và uống vitamin A kịp thời sẽ phòng tránh mù loà cho trẻ.

Thùy Linh (t/h)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]