Phòng chứng “không bệnh mà đau”

GiadinhNet - Thời tiết giao mùa nóng lạnh bất thường khiến nhiều người xuất hiện triệu chứng "không bệnh mà đau", lúc nào cũng cảm thấy bứt rứt, khó ở…Làm cách nào để "chống" lại những hiện tượng này?

15.5999
 

Dinh dưỡng hợp lý có thể giúp bạn sống khỏe trong lúc thời tiết giao mùa. Ảnh: minh họa

 
Hội chứng trái gió
 
Các biện pháp tăng cường sức đề kháng
 
- Ngâm chân bằng nước ấm.
- Tắm bùn khoáng hay thuốc dược thảo.
- Uống trà với các cây thuốc giải cảm như cúc hoa, bạc hà, khuynh diệp...
- Khám sức khỏe định kỳ để biết cơ thể thiếu gì để bổ sung.
- Ăn uống hợp lý.
- Tập thể dục hàng ngày.

 (Bác sĩTrung Anh, BV Lão khoa Trung Ương)
Nhiều người sức khỏe bình thường nhưng vào những ngày "trở trời" tự nhiên bỗng thấy khó ở, mình mẩy đau nhức. Người thì đau đầu, người thì đau các khớp xương... Ở châu Âu, thống kê về "hội chứng trái gió" này cho thấy có khoảng 50% người trưởng thành ít nhiều cảm thấy ê mình khi trái gió trở trời, trong đó đa số là phụ nữ (khoảng 2/3). Ở nước ta mặc dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng chỉ cần xem cảnh nhà thuốc bận rộn mỗi khi thay đổi thời tiết là đủ thấy số người không bệnh nhưng cảm thấy "khó ở" đông không kém gì số người đi chữa bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Lão khoa Trung ương, sở dĩ có hiện tượng đau người khi trở trời là bởi hệ thần kinh giao cảm không thích ứng kịp với môi trường bên ngoài. Trước khi gió mùa Đông Bắc tràn về một vài ngày thì nhiệt độ tăng lên, kéo theo độ ẩm tăng dẫn đến hiện tượng trời nồm, ẩm ướt. Lúc này các phản ứng viêm tăng lên, gây chứng đau nhức trên cơ thể. Đối tượng bị đau người khi trở trời thường ở tuổi từ trung niên trở lên.

Phân tích về cơ chế phản ứng đau của cơ thể, lương y Dương Đức Mến, Phòng khám Đông y 95 Láng Hạ (Hà Nội) cho rằng, khi thời tiết đang nắng thì mạch máu trên cơ thể to, chuyển sang lạnh thì mạch máu co lại. Lúc này, nếu sức đề kháng kém do nội tiết tố bị thiếu hụt thì cơ thể sẽ không "theo kịp" sự thay đổi của thời tiết dẫn đến việc cơ thể không đủ sức để điều hòa, làm chủ các nhịp sinh học của mình dẫn đến tắc và đau.

Chính do hiện tượng không bệnh mà đau khi trở trời này nên một số nước đã thành lập những câu lạc bộ, những trung tâm để điều trị "hội chứng trở trời". Ưu điểm của việc điều trị ở những trung tâm này là họ không điều trị chỉ để giải quyết triệu chứng (ví dụ như uống thuốc giảm đau ở mình chẳng hạn), không áp dụng hóa chất tổng hợp (thuốc) mà chú trọng ứng dụng kinh nghiệm của y học cổ truyền.

Bác sĩ Trung Anh cho rằng, những trung tâm này là rất cần thiết bởi hiện nay, đa số người bị đau khi trở trời thường tự uống thuốc theo truyền miệng hoặc tự ra nhà thuốc để mua mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ, thậm chí không hiểu được cơ chế gây nên triệu chứng đau trên cơ thể mình.
 
Tăng sức để kháng để "phòng bệnh"

Bác sĩ Lê Thị Minh Hương, Trưởng khoa Dị ứng miễn dịch cơ khớp, BV Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết: Với những "bệnh trái gió" (theo cách gọi dân gian) thì điều quan trọng là phải đảm bảo đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Dinh dưỡng ở đây phải được hiểu là những vi lượng cần thiết chứ không phải là béo hay gầy, cao hay thấp...

Theo bác sĩ Hương, thực phẩm về mùa đông thường kém dinh dưỡng nên ăn  uống thành ra thiếu chất, những yếu tố vi lượng trong cơ thể bị thiếu hụt dẫn đến sức đề kháng kém. Do vậy, vào mùa này nên dùng một số thực phẩm giàu vitamin. Việc dùng thuốc để bổ sung các vi lượng rất cần thiết phải tùy từng cơ thể. Để biết cơ thể của mình thiếu gì thì phải khám hoặc làm xét nghiệm.

Còn theo bác sĩ Trung Anh, đối với người cao  tuổi, khi thời tiết giao mùa, cơ thể dễ bị nhiễm bệnh do hệ miễn dịch suy giảm. Việc dùng thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ; vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe lúc này là phòng bệnh và áp dụng các biện pháp điều trị không dùng thuốc.

Các biện pháp phòng bệnh bao gồm tăng cường cơ chế miễn dịch bằng chất chống oxy hóa, chẳng hạn dùng thuốc bổ sung dinh dưỡng với thành phần beta caroten, vitamin C, vitamin E, sélénium, kẽm. Tăng cường ăn rau quả chứa nhiều vitamin C thiên nhiên như cam, chanh, bưởi, cà chua, quýt, su hào, xà lách, giá đậu... nhằm làm tăng sức đề kháng, chống lại tình trạng dễ bị các và vi khuẩn xâm nhập, gây các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Người cao tuổi cần tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột bằng cách giữ ấm khi thời tiết chuyển lạnh, lau khô và làm ấm cơ thể khi bị mắc mưa, ăn các thực phẩm giàu năng lượng khi trời trở lạnh để duy trì cân bằng thân nhiệt.
Một điều cần thiết khác là giữ giấc ngủ yên trong đêm vì việc thường xuyên mất ngủ (thường gặp ở người cao tuổi) sẽ làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Có thể đi bộ thong thả 20-30 phút lúc chiều tối, tắm nước ấm để tạo thư giãn khi đi ngủ, uống một ly sữa ấm trước lúc lên giường để khỏi hạ đường huyết trong đêm, gây rối loạn giấc ngủ. Nên ăn nhiều khoai, củ, bí, bầu, mướp, khổ qua, mồng tơi, bồ ngót, rau muống, xà lách. Những thực phẩm này giúp cơ thể hấp thu tryptophan- một amino acid có lợi cho giấc ngủ. Ngược lại, ăn nhiều thịt, cá có nhiều tyrosin sẽ gây hưng phấn dẫn đến khó ngủ...
 
An Khê
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]