Phòng ngừa dị ứng thuốc ở trẻ

Cùng một loại thuốc, có người dùng không sao nhưng có người lại bị dị ứng. Khi trẻ đã bị dị ứng thuốc nào thì tuyệt đối không dùng thuốc đó nữa

15.6107

Khi sử dụng thuốc, cơ thể ta có phản ứng lại với thuốc đó và gây rối loạn bằng biểu hiện bất thường, dị ứng thuốc trầm trọng nhất là sốc thuốc (sốc phản vệ).


Trẻ bị dị ứng được chích kháng nguyên tại Medic TPHCM. Ảnh: N. PHƯƠNG 


Liều thấp cũng gây dị ứng


Có rất nhiều dấu hiệu của dị ứng thuốc. Nếu trẻ bị dị ứng nhẹ sẽ có biểu hiện đỏ da, nổi mề đay, cảm giác buồn nôn, nôn, có khi tiêu chảy... Còn dị ứng thuốc nặng có biểu hiện là trẻ bị tím tái, ngưng thở, huyết áp hạ, tiêu tiểu không tự chủ và có thể dẫn đến tử vong sau ít phút.
 
Dị ứng thuốc thường xảy ra ở một số người có cơ địa dị ứng. Vì vậy, cùng một loại thuốc có người dùng không sao nhưng có người dùng lại bị dị ứng. Dị ứng thuốc có thể do dược chất, tá dược hoặc tạp chất khi pha hoặc dị ứng thuốc xảy ra khi uống, khi tiêm, khi bôi ngoài da, thậm chí khi nhỏ mắt.

Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng (tức là liều thấp hay liều cao), có thể chỉ một liều lượng nhỏ cũng gây dị ứng thuốc ở mức độ nặng và có thể gây tử vong.


Trong dị ứng thuốc có hiện tượng phản ứng chéo giữa thuốc gây dị ứng với thuốc khác. Ví dụ như người dị ứng penicillin có thể bị dị ứng với cephalosporin (vì 2 nhóm thuốc này có công thức hóa học giống nhau). Các thuốc thường gây dị ứng gồm: kháng sinh, vắc-xin, aspirin, một số vitamin (B1, C,...).


Chỉ dùng thuốc khi cần thiết


Khi trẻ đang được điều trị bệnh bằng thuốc, nếu cha mẹ nhận thấy trẻ có những biểu hiện bất thường cần phải ngừng ngay thuốc đó và đến bác sĩ khám để cho hướng điều trị thích hợp. Để phòng ngừa dị ứng thuốc thì khi trẻ đã bị dị ứng thuốc nào tuyệt đối không dùng thuốc đó nữa.

Ngoài ra, chỉ dùng thuốc khi thực sự cần thiết. Nếu chưa biết rõ về liều lượng, cách dùng và tác dụng phụ của thuốc thì nên đến bác sĩ khám để được tư vấn. Bên cạnh đó, phụ huynh phải thông báo ngay các thuốc bị dị ứng khi đến khám hoặc mua thuốc ở nhà thuốc cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết để tránh dùng loại thuốc đó.

Cách sơ cứu khi trẻ bị dị ứng thuốc

Khoa Cấp cứu – Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM thường xuyên tiếp nhận những trẻ bị dị ứng thuốc, trong đó có cả trẻ bị sốc phản vệ sau khi uống một loại thuốc trị đau bụng, ói. Điển hình là bệnh nhi N.V.K, 7 tuổi, được đưa đến BV trong tình trạng bứt rứt, sưng phù ở mặt, chân, tay, nổi mề đay rải rác khắp người và tụt huyết áp.

Trước đó, bệnh nhi này uống một viên Alka-Seltzer, một loại thuốc trị cảm lạnh và rối loạn tiêu hóa, sau khoảng 30 phút, K. than mệt, sưng phù nhiều ở môi, mắt, sau đó lan đến bàn tay, bàn chân và nổi mề đay nhiều nơi. Em được chẩn đoán là sốc phản vệ mà nguyên nhân có thể do aspirin, một thành phần có trong viên Alka-Seltzer.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Khoa Hồi sức BV Nhi Đồng 1, cho biết khi trẻ em có biểu hiện ngứa, nổi mẩn đỏ, khó thở và trụy mạch sau khi uống thuốc, các bậc phụ huynh cần ngưng ngay thuốc đang sử dụng hoặc dị nguyên gây sốc, cho nạn nhân nằm đầu phẳng, dùng dây ga-rô buộc phía trên nơi tiêm thuốc (nếu được) và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

K.Lan

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]