Phòng ngừa viêm xoang ở người cao tuổi

SKĐS - Ở người cao tuổi (NCT) thường mắc bệnh viêm xoang kèm theo nhiều bệnh khác nên rất khó chẩn đoán và điều trị.

15.6037

người cao tuổi (NCT) thường mắc bệnh viêm xoang kèm theo nhiều bệnh khác nên rất khó chẩn đoán và điều trị. Do sự lão hóa nên việc dùng thuốc điều trị ở NCT kém hiệu quả và hay gặp tác dụng phụ của thuốc.

Những nguyên nhân gây ra viêm xoang thường gặp ở NCT gồm: nhiễm khuẩn, nhiễm nấm đường hô hấp; hít phải các kháng nguyên lạ như bụi nhà, bụi đường, nhiễm khói, hít thở phải mùi hóa chất độc hại như phân bón, thuốc trừ sâu, bụi hữu cơ như bụi bông, vải, vỏ hạt ngũ cốc...; NCT đã bị suy giảm sức đề kháng nên cơ thể không đủ sức chống lại vi khuẩn; do suy yếu niêm mạc đường hô hấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật. Ở NCT đồng thời mắc viêm xoang và viêm nhiễm ở các cơ quan khác; do hệ thống “lông chuyển”, có chức năng vận chuyển các chất nhầy trong xoang ra ngoài hoạt động kém vì bị lão hóa nên chất nhầy tồn đọng trong xoang tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển gây viêm xoang...

Tập thể dục đều đặn để tăng cường sức đề kháng giúp phòng tránh bệnh tật.

Biểu hiện bệnh

Một người bị viêm xoang thường có các biểu hiện sau: đau nhức ở vùng xoang, ví dụ viêm xoang hàm thì đau nhức vùng gò má; viêm xoang trán thì nhức giữa hai lông mày và thường nhức theo giờ nhất định, ví dụ 7 giờ sáng; viêm xoang sàng trước thì nhức giữa hai mắt; viêm xoang sàng sau hay xoang bướm thì thấy đau nhức trong sâu, nhức vùng gáy. Chảy dịch: tùy thuộc vào vị trí xoang bị viêm mà dịch nhầy có thể chảy ra phía mũi hoặc xuống họng. Trường hợp viêm các xoang trước thì dịch chảy ra mũi trước. Nếu viêm các xoang sau thì dịch chảy vào họng. Vì chảy dịch nên người bệnh có cảm giác luôn phải khụt khịt mũi hoặc cảm giác lờ đờ ở cổ họng luôn muốn khạc nhổ. Tính chất dịch: phụ theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ, bệnh mới mắc hay mạn tính. Dịch nhầy có màu trắng, màu vàng nhạt hoặc màu xanh, có mùi hôi, khẳn. Nghẹt mũi: bệnh nhân có thể nghẹt 1 bên hoặc nghẹt cả hai bên mũi. Điếc mũi: bệnh nhân viêm xoang thường mất ngửi mùi, vì viêm nặng, phù nề nhiều nên mùi không len lỏi lên đến thần kinh khứu giác làm bệnh nhân mất ngửi.

Phương pháp điều trị

Các loại thuốc có thể dùng để điều trị viêm xoang là: thuốc kháng histamin như chlorpheniramin, promethazin, cezin... Các loại thuốc này chủ yếu để chữa ngứa và sổ mũi do dị ứng nhưng không có tác dụng chữa nghẹt mũi. Do đó cần dùng phối hợp với các thuốc điều trị nghẹt mũi như: phenylpropanolamin, pseudoephedrin.

Thuốc rửa mũi: có thể dùng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9% cho vào lọ nhựa sạch hoặc dụng cụ chuyên dùng rồi nhỏ vài giọt vào hốc mũi sau đó cúi xuống và xì sạch dịch mũi, thực hiện như vậy 2- 3 lần hàng ngày vào buổi sáng, chiều, tối.

Thủ thuật Proetz súc rửa xoang: là cách rửa xoang để lấy mủ từ xoang ra bằng áp lực âm không gây đau hoặc chảy máu, không cần dụng cụ y khoa như kìm, kéo... phù hợp với những trường hợp viêm mũi xoang nhẹ.

Sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị viêm xoang do nhiễm khuẩn: cần dùng thuốc đúng, đủ liều để diệt vi khuẩn.

Phẫu thuật nội soi xoang: mở các đường dẫn lưu trong mũi nhằm khắc phục tình trạng do viêm xoang ảnh hưởng đến khả năng thở của mũi. Phẫu thuật thường dùng cho bệnh nhân bị bệnh viêm xoang cấp và mạn tính, thay cho việc phải dùng thuốc. Trường hợp điều trị nội khoa bằng thuốc không có kết quả, bác sĩ sẽ chọc xoang hàm để rút mủ hoặc phẫu thuật để cắt polyp mũi, chỉnh hình vách ngăn, nạo xoang... Trường hợp viêm mũi xoang do răng, cần phải nhổ răng gây bệnh. Phẫu thuật nội soi loại bỏ những khối u hốc mủ ở mũi bệnh nhân. Bằng cách can thiệp trực tiếp như vậy đồng thời kết hợp với thời gian theo dõi và điều trị lâu dài sẽ làm hạn chế và khắc phục nhanh các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân bị viêm xoang.

Những phương pháp trên có ưu điểm là làm tình trạng bệnh thuyên giảm nhanh chóng, không phải uống thuốc kháng sinh kéo dài, hết những triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Nhưng có nhược điểm là chi phí khá cao, phải nằm viện theo dõi điều trị, mất thời gian cho bệnh nhân và người thân chăm sóc, đặc biệt là bệnh có nguy cơ tái phát rất cao, khó điều trị triệt để.

Phòng ngừa thế nào?

Muốn phòng bệnh viêm xoang cần thực hiện phối hợp các biện pháp như sau: NCT cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột hoặc nhiễm lạnh kéo dài. Khi đi ngủ cần mặc đủ ấm và phòng ngủ cần tránh gió lùa. Tránh hít phải phấn hoa, nấm mốc, nước hoa, bụi bẩn, khói, hơi hóa chất độc hại... Không nên cho ngón tay vào ngoáy mũi vì dễ mang vi khuẩn vào mũi gây bệnh. Bệnh có thể lây lan, vì vậy không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang mũi. Khi có các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần được điều trị ngay tránh trường hợp để biến chứng viêm xoang. Hàng ngày cần tập thể dục đều đặn vừa sức để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

BS. Bùi Thị Ánh Nguyệt

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]