“Về lý thuyết, mọi người đều có khả năng cảm nhiễm với virus cúm A/H5N1. Trong rất nhiều chủng virus cúm gia cầm, hiện có một số chủng được biết là gây bệnh ở người, bao gồm H5N1, H7N3, H7N7, H7N9, H9N2, H10N8... Trên thực tế, khả năng lây nhiễm virus cúm A/H5N1 là rất khác nhau” - BS Phan Công Hùng, phụ trách khoa Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (Viện Pasteur TP.HCM), khuyến cáo.

Chưa có vaccine phòng ngừa cúm gia cầm cho người

. Phóng viên: Hiện nay việc phòng, chống cúm gia cầm cho người diễn ra như thế nào, thưa ông?

+ BS Phan Công Hùng: Hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa cúm gia cầm cho người. Tamiflu là thuốc để điều trị cúm gia cầm, tuy nhiên cần phải được chữa trị sớm mới có hiệu quả cao. Để ngăn ngừa cúm A/H5N1 cho người, quan trọng nhất là không giết mổ, ăn thịt và sử dụng sản phẩm gia cầm bệnh hoặc chết, không tiếp xúc với khu vực đang có dịch.

. Xin ông cho biết cúm gia cầm với cơ chế phát tán ra môi trường gây nguy hiểm đối với người ra sao?

 + Hiện nay vẫn chưa biết rõ yếu tố nào làm cho con người tăng cảm nhiễm với virus gia cầm. Một số ý kiến cho rằng yếu tố cơ địa hay yếu tố kháng nguyên phù hợp tổ chức đóng vai trò quan trọng đến tính cảm nhiễm với bệnh. Virus cúm A/H5N1 có độc lực cao, đường lây truyền từ gia cầm sang người hiện nay vẫn chưa rõ. Do vậy, khi sống trong vùng có dịch cúm trên gia cầm sẽ có nguy cơ mắc bệnh rất cao.


 

Nhiều ổ cúm A/H5N1 xuất hiện trong năm 2014 có nguồn gốc từ vịt nuôi. Ảnh: TN

Sốt cao, đau đầu, đau cơ... phải đến cơ sở y tế

. Biểu hiện của người bị nhiễm virus cúm cầm gia cầm ra sao và phải xử lý như thế nào, thưa ông?

+ Về tiền sử bệnh, người bệnh từng tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh cúm gia cầm, gia cầm bị bệnh hoặc đã từng ở khu vực đang lưu hành bệnh dịch cúm gia cầm trong vòng bảy ngày.

Bệnh diễn biến cấp tính và có thể có các biểu hiện như sốt trên 38oC, có thể rét run; ho, thường ho khan, đau ngực; khó thở, thở nhanh, tím tái. Ngoài ra còn các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức, suy đa tạng.

Nếu xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 thì đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được cách ly điều trị. Những người đã được xác định hoặc nghi ngờ mắc cúm A/H5N1 phải được cách ly tại bệnh viện.

. Vậy phòng tránh lây nhiễm virus cúm gia cầm bằng cách nào?

+ Để chủ động phòng, chống bệnh cúm, mọi người cần thực hiện bốn biện pháp sau:

1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống: Đảm bảo vệ sinh cá nhân hằng ngày. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Không sử dụng thịt và các sản phẩm từ súc vật mắc bệnh, nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc. Thịt gia cầm, sản phẩm từ gia cầm (trứng) phải được nấu chín kỹ và xử lý đúng cách. Nên nấu chín thịt gia cầm cho đến khi phần thịt bên trong không còn màu hồng và không để lẫn thịt đã nấu chín với thịt sống. Không ăn thức ăn chưa được nấu chín, không ăn tiết canh vịt. Rửa sạch các dụng cụ nấu ăn đã chạm vào thịt gia cầm sống trước khi sử dụng lại những dụng cụ đó.

2. Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh: Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, gia cầm mắc bệnh. Khi bắt buộc phải tiếp xúc với người bệnh, gia cầm mắc bệnh thì nên mang khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, áo. Điều quan trọng là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đặc biệt những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em tuyệt đối không tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

3. Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh: Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể. Những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh, làm việc ở các nơi có dịch cúm trên gia cầm cần thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân.

4. Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp như sốt cao, đau đầu, đau cơ, đau họng, ho… thì đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

TRẦN NGỌC thực hiện


Video đang được xem nhiều