Phòng tránh bắt nạt trẻ tự kỷ

SKĐS - Bắt nạt là hiện tượng không mong muốn nhưng vẫn xảy ra trong nhà trường với trẻ tự kỷ.

15.5963

Bắt nạt khiến trẻ tự kỷ mất lòng tự trọng và tự tin, căng thẳng và thu rút, giận dữ và thù địch, giảm kết quả học tập... thậm chí phải nghỉ học... Theo BS. Hoàng Vũ Quỳnh Trang - Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, cha mẹ, thầy cô và mọi người cần đặc biệt hiểu, quan tâm, chia sẻ để giúp trẻ tự kỷ không bị tổn thương để hòa nhập.

Trẻ là nạn nhân

Một em gái 13 tuổi ở thành phố Cần Thơ được bà ngoại đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám với tình trạng toàn thân bị thâm tím. Gia đình hỏi bé vì sao thì bé không nói. Mẹ sợ quá nên đã cho bé nghỉ học. BS. Hoàng Vũ Quỳnh Trang cho biết, trong quá trình khám bệnh đã chứng kiến nhiều trường hợp trẻ tự kỷ bị bắt nạt rất đau lòng. Trường hợp của bé gái chính là nạn nhân của tình trạng bắt nạt. Nhưng bé không biết nói bị bắt bạt. Bởi trẻ tự kỷ thường hiểu nhầm những hành vi của người khác và nhận thức sai lầm về bản thân. Để hiểu, chia sẻ và quan tâm đặc biệt trẻ tự kỷ thì phải biết thế nào là bắt nạt? Bắt nạt là có sự mất cân bằng về sức mạnh cố ý làm hại (về thể chất hay cảm xúc) và gây khó chịu. Trẻ tự kỷ thường bị bạn học, anh chị em, người lớn nào đó hoặc chính trẻ tự kỷ bắt nạt. Trong trường hợp trẻ tự kỷ là thủ phạm là do trẻ tự kỷ không hiểu bắt nạt là điều cấm.

Các thầy cô đang trao đổi giải pháp phòng chống bắt nạt trẻ tự kỷ tại buổi sinh hoạt chuyên đề “giúp trẻ tự kỷ hòa nhập” do CLB Sống cùng tự kỷ tổ chức

Dấu hiệu để nhận biết trẻ tự kỷ bị bắt nạt, cụ thể, về thể chất trẻ bị thâm tím, cào xước, bị cắn và quần áo bị cắt và bị xé. Cảm xúc có biểu hiện đau không đặc hiệu, nhức đầu, đau bụng, lo âu, tức giận… Các hành vi thu rút, nói lắp, bứt rứt, cáu gắt, bực tức, kém vui, khóc và không chịu ăn; toan tự tử, từ chối giải thích điều sai, bám vào vật trẻ yêu thích; bắt chước hành vi bắt nạt anh chị em tại nhà; cắn móng tay, tiểu dầm, sợ hãi, khó ngủ… Với bạn bè và trường học, dấu hiệu để nhận biết trẻ bị bắt nạt bao gồm không được mời đi tiệc, họp nhóm, tìm hỗ trợ từ những nhóm bạn xấu, sợ đi bộ đi học và về nhà, thay đổi đường đi, không muốn đi học, nhờ người đưa đi học, học không tốt, không thống nhất hành vi ở nhà và ở trường. bị cướp thức ăn trưa, mất dụng cụ học tập, hỏi xin tiền vì bị trấn lột…

Nội quy về phòng chống bắt nạt

Theo BS. Quỳnh Trang, để phòng tránh bắt nạt trẻ tự kỷ, việc xây dựng tinh thần chống bắt nạt ở trường học là rất quan trọng. Hành vi của tất cả các giáo viên, nhân viên là khuôn mẫu với hành vi phù hợp để cho các học sinh hiểu bắt nạt là không được chấp nhận. Mọi người cần hiểu trẻ tự kỷ không biết phản ứng phù hợp với hành vi bắt nạt nên khi trẻ tự kỷ phản ứng mạnh mẽ, bạo lực với bắt nạt đó là hậu quả kinh nghiệm bản thân mà trẻ đã cảm nhận khi bị bắt nạt trước đó. Nếu không hiểu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nặng nề đối với trẻ. BS. Trang kể, một bé trai 10 tuổi, được ba đưa tới khám mà cứ run cầm cập, hỏi gì cũng không nói. Ba của bé cho biết, nhà trường đã bắt quả tang bé có một cái dao ở trong cặp. Nhà trường cho rằng bé có vấn đề về tâm lý và muốn cho bé nghỉ học.

Trong những trường hợp như vậy, hiểu trẻ là điều quan trọng nhất. Cha mẹ phải ngồi tâm sự với trẻ. Thầy cô giáo cần hiểu, không có một đứa trẻ nào tự nhiên lại mang dao vào trường. Với bé trai này cũng không ngoại lệ. Rất kiên nhẫn để trò chuyện, tâm sự với bé và kết quả cuối cùng BS. Quỳnh Trang nhận được là chia sẻ của bé: bé mang dao vào trường là do một bạn bảo em mang dao vào để “xử” một bạn khác. Xây dựng tinh thần chống bắt nạt với những chiến lược cụ thể là điều cần làm. Nội quy về phòng chống bắt nạt tại trường học là một điều vô cùng cần thiết.

Xây dựng 1 bản đồ về môi trường xung quanh trẻ: nơi an toàn, nơi dễ bị bắt nạt. Dùng màu đỏ để chỉ sự nguy hiểm, màu xanh lá cây là an toàn cho từng trẻ. Trao đổi với trẻ tại trường học, lớp học và sân chơi được xem là an toàn. Trong khi đó, thư viện, nhà vệ sinh được xem là nguy hiểm đối với trẻ tự kỷ.

Xây dựng cách phản ứng với bắt nạt có ý kiến của trẻ. Tạo môi trường tích cực tránh bắt nạt bằng cách khích lệ học sinh nói về bắt nạt và thay phiên nhau giúp đỡ trẻ nào hay bị bắt nạt. Đưa ra lời khen ngợi cho các can thiệp tích cực về hệ quả với tình trạng thờ ơ, vô cảm. Quan sát và lắng nghe, không vội kết luận, suy diễn ý nghĩa hành vi của trẻ tự kỷ. Tập hợp dữ kiện và thông tin để hiểu đầy đủ trước khi kết luận. Không nên trách móc. Tìm bạn thân cùng lớp (lớn hơn, hiểu biết hơn, thân thiện hơn) cho trẻ và khích lệ trẻ gia nhập vào nhóm cần thiết. Giữ liên lạc với trường để bàn bạc vấn đề mà cha mẹ quan tâm. Từ đó nhà trường sẽ thành lập mạng lưới chống bắt nạt trong trường hiệu quả hơn. Cha mẹ và người chăm sóc cần toàn tâm toàn ý làm việc về bắt nạt với trường học. Giải quyết một mình sẽ không hiệu quả. Hỏi nhà trường về bất kỳ thay đổi hành vi của trẻ. Chia sẻ với trường bất kỳ điều gì giúp tình huống tốt hơn. Bày tỏ sự sẵn sàng phối hợp với nhà trường. Trong những tình huống khó khăn, mô hình chăm sóc tích cực với vai trò của nhân viên y tế là một cơ hội khách quan đến giúp trẻ hiểu và tiếp tục đi học để hòa nhập.

NGUYỄN HUYỀN

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]