Phòng tránh chấn thương xuyên nhãn cầu ở trẻ em

VOV.VN - Bác sĩ Hoàng Cương khuyến cáo: tuyệt đối không để trẻ chơi với chó, mèo, chim nếu không có sự giám sát của người lớn.

15.6009

Theo bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, chấn thương mắt là vấn đề phổ biến và là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa ở trẻ em nhưng có thể phòng tránh được.

Bác sĩ Hoàng Cương cho biết: Chấn thương xuyên nhãn cầu gây ra những tổn thương nặng nề cho các cấu trúc của mắt, ngoài trừ tổn thương rách mi đứt lệ quản, các tổn thương mắt do chấn thương xuyên như rách/thủng hay vỡ nhãn cầu, đục vỡ thể thủy tinh, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc, tổn hại thần kinh thị giác, viêm mủ nội nhãn… ảnh hưởng nghiêm trọng và vĩnh viễn đến thị lực của trẻ, thậm chí phải bỏ mắt.

Nguyên nhân gây chấn thương mắt ở trẻ em cũng tương tự như người lớn nhưng lại mang tính đặc thù riêng biệt. Chấn thương xuyên ở trẻ nhỏ thường do những vật sắc nhọn: mảnh đồ chơi vỡ, que chọc, ngã vào cạnh bàn, bát vỡ, súc vật cào vào mắt… Trẻ trong lứa tuổi đi học thì thường gặp chấn thương do đánh nhau, bắn súng/nỏ, đánh kiếm, đặc biệt là cây que chọc vào mắt (phổ biến ở trẻ em nông thôn) gây đau nhức mắt và làm cho mắt bị nhiễm trùng nhanh chóng.

Các triệu chứng chấn thương xuyên nhãn cầu ở trẻ

Đau nhức mắt: Sau khi bị tổn thương, trẻ nhỏ thường đau, quấy khóc. Trẻ lớn hơn có thể biết được hoàn cảnh chấn thương. Đau thường tăng dần khi có kèm theo nhiễm trùng, nhiễm độc.

Triệu chứng tại mắt:

- Mi mắt rách, chảy máu, sưng nề và tình trạng này sẽ nặng dần lên trong 24-48 giờ đầu.

- Đỏ mắt, mắt có thể chảy máu, chảy dịch qua vết thương nhãn cầu. Trẻ khó mở mắt. Đôi khi có thể thấy được mảnh dị vật ở trong mắt.

Cách xử trí chấn thương xuyên

- Nếu mi bị rách, nhiều khả năng nhãn cầu cũng tổn thương theo. Khi đó, việc cử động mắt và cố gắng băng bó có thể làm tổn hại thêm cho mắt. Nên dùng tấm chắn bảo vệ bằng nhựa (đặt nhẹ nhàng) nhằm tránh đè lên mắt. Chúng ta nên ghi chép đầy đủ về thời gian và hoàn cảnh xảy ra chấn thương. Đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa mắt để kịp thời xử lý.

- Nếu mất khuyết mi, nên cố gắng tìm lại mảnh mi bị đứt rời, bảo quản trong túi nước muối có bọc đá lạnh để tiện cho việc phục hồi về sau.

- Nếu có thể nên giữ lại vật gây tổn thương, nhằm giúp bác sĩ nhãn khoa tham khảo.

- Không nên tự cố gắng lấy vật đâm vào mắt ra vì có thể gây tổn hại thêm cho mắt, hãy để việc đấy cho bác sĩ nhãn khoa.

- Không nên cố gắng lấy dị vật ra bằng tăm bông, vật nhọn, đầu ngón tay vì có thể gây tổn thương thêm cho mắt.

- Không nên đắp thuốc hoặc chườm đá nếu không có chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.

Cách phòng tránh

Tuyệt đối không để trẻ chơi với chó, mèo, chim nếu không có sự giám sát của người lớn.

Không cho trẻ tới gần những nơi nguy hiểm như cầu thang, nhà bếp, lửa, vật nóng, ổ cắm điện...Giáo dục trẻ không được chơi, đùa nghịch với vật sắc nhọn. Phổ biến cho thầy cô, phụ huynh cách phát hiện các triệu chứng do chấn thương mắt và khi mắt đã bị chấn thương, cần nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ nhãn khoa ngay, bệnh sẽ ngày càng nặng nếu không được điều trị kịp thời./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]