Phòng tránh nhiễm trùng roi Trypanosoma

SKĐS - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh vừa điều trị cho một nữ bệnh nhân 38 tuổi nhiễm trùng roi Trypanosoma evansi (T.evansi).

31.2709

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh vừa điều trị cho một nữ bệnh nhân 38 tuổi nhiễm trùng roi Trypanosoma evansi (T.evansi). Trước đó, tại miền Bắc cũng đã phát hiện bệnh nhân mắc Trypanosoma lewisi (T. lewisi). Điều này cho thấy bệnh do Trypanosoma tuy còn ít gặp nhưng đã xuất hiện ở Việt Nam. Báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Lê Trần Anh - Giảng viên bộ môn Ký sinh trùng, Học viện Quân y nhằm cung cấp tới độc giả một số hiểu biết về Trypanosoma gây bệnh ở người và biện pháp phòng chống.

TS.BS. Lê Trần Anh.

PV: Xin TS cho biết con đường truyền bệnh của Trypanosoma?

TS.BS. Lê Trần Anh: Trypanosoma là trùng roi, chúng có nhiều loài, hình thể tương đối giống nhau. Trypanosoma thường ký sinh ở máu hay tổ chức, lưu hành giữa các loại động vật có xương sống.

Trypanosoma lây truyền chủ yếu nhờ côn trùng hút máu. Có 2 cách lây nhiễm chính là lây truyền qua phân (trùng roi giai đoạn lây nhiễm tập trung ở đoạn cuối của ruột, trực tràng; khi côn trùng hút máu vật chủ khác, trùng roi theo phân của côn trùng, xâm nhập vật chủ mới qua niêm mạc hay da bị xây xát; ví dụ: T. cruzi, T. lewisi) và lây truyền qua nước bọt (trùng roi giai đoạn lây nhiễm tập trung ở tuyến nước bọt, theo nước bọt vào vật chủ khi côn trùng đốt; ví dụ: T. brucei). Ngoài ra còn cách lây truyền cơ học khi côn trùng đốt một động vật bị nhiễm, vì lý do nào đó phải rời vật chủ rồi đốt vật chủ thứ hai, trùng roi trong vòi của chúng làm lây nhiễm cho vật chủ thứ hai.

PV: Bệnh do Trypanosoma ở người gây ra những triệu chứng và tổn thương gì, thưa TS?

TS.BS. Lê Trần Anh: Bệnh do Trypanosoma ở người gọi là trypanosomiase. Có hai loại bệnh chính là bệnh ngủ và bệnh Chagas. Một vài loại Trypanosoma thường chỉ ký sinh ở động vật có thể gây bệnh không điển hình cho người như T. brucei brucei, T. vivax, T. congolense, T. evansi, T. lewisi và T. lewisi-like.

Bệnh ngủ do T. brucei gây ra, lây truyền qua loại ruồi tsetse đốt hút máu; loài ruồi này thường chỉ có ở châu Phi. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là rối loạn thần kinh trung ương gây ngủ nhiều, cuối cùng là hôn mê, tử vong.

Bệnh Chagas xuất hiện chủ yếu ở Nam Mỹ. Phần lớn được truyền qua (phân) bọ xít, ngoài ra có thể truyền qua truyền máu, ghép tạng… Khi vào cơ thể, trùng roi xâm nhập tại chỗ, nhân lên rồi lan truyền theo máu, bạch huyết đi xa, chủ yếu đến tế bào cơ, đặc biệt là cơ tim. Tại chỗ T. cruzi xâm nhập xuất hiện tổn thương gọi là chagoma, đặc trưng là dấu hiệu Romana (tổn thương ở mắt, phù quanh mắt một bên), 5% người nhiễm có biểu hiện viêm cơ tim cấp. Sau 10-30 năm, khoảng 30-40% trường hợp xuất hiện bệnh mạn tính với tổn thương xơ hóa cơ tim, một số bệnh nhân có biểu hiện ở đường tiêu hóa, hay gặp nhất là bệnh thực quản, đại tràng to. Bệnh thường xuất hiện ở những người nghèo, sống ở vùng nông thôn, phần lớn ở trẻ em dưới 10 tuổi.

PV: Ở Việt Nam thời gian qua xuất hiện bọ xít hút máu người. Liệu bọ xít này có lây truyền bệnh Trypanosoma ở người?

TS.BS. Lê Trần Anh: Thời gian vừa qua xuất hiện bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata ở nhiều tỉnh, thành phố. T. rubrofasciata thường truyền Trypanosoma conorhini ở chuột; cũng có khả năng truyền T. cruzi mặc dù không phải là vector quan trọng. Đã tìm thấy bọ xít ở nhiều tỉnh, thành phố, mật độ cao nhất thường được tìm thấy trong các khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội. Vị trí hay gặp là ngoài nhà (các đống gỗ, củi hoặc chất thải gần nhà). Ở các thành phố lớn đã tìm thấy T. rubrofasciata trưởng thành trong nhà, đốt người khi ta ngủ. Tại chỗ bọ xít đốt (thường ở chân, tay) xuất hiện sưng, ngứa, đôi khi nhiễm khuẩn tại chỗ, 5% trường hợp có sốt. Bị đốt hoặc tiếp xúc với phân bọ xít nhiều lần có thể xuất hiện các phản ứng miễn dịch, đôi khi sốc phản vệ. T. rubrofasciata hiếm khi thải phân khi hút máu, thường chỉ thải phân khi đã cách xa vật chủ, do đó rất khó trở thành vector truyền T. cruzi quan trọng mặc dù chúng sống gần người và các động vật khác. Cho đến nay, Việt Nam chưa phát hiện bệnh nhân mắc bệnh Chagas.

PV: Câu hỏi cuối cũng có lẽ là điều mọi người cần biết nhất: Xin TS cho biết các biện pháp để phòng chống bệnh do Trypanosoma gây ra?

TS.BS. Lê Trần Anh: Nước ta chưa phát hiện được ruồi tsetse nên ít có khả năng bị bệnh ngủ. Khả năng mắc bệnh thể không điển hình cũng thấp, bằng chứng là bệnh do T. evansi rất phổ biến ở động vật nhưng rất hiếm ở người. Nhưng cần lưu ý khả năng bị bệnh Chagas do sự giao thương giữa các vùng sẽ xuất hiện nguồn bệnh cùng với sự sẵn có của vector có khả năng truyền bệnh (mặc dù kém) là T. rubrofasciata.

Vì không có vắc-xin phòng nên việc phòng chống T. cruzi phụ thuộc vào việc kiểm soát đường lây (phòng chống vector, phát hiện người hiến máu bị nhiễm bệnh). Kiểm soát vector bằng nhiều phương pháp như cải thiện điều kiện nhà ở, vệ sinh cảnh quan môi trường, phá hủy nơi cư trú và sinh sản của bọ xít. Kiểm tra thường xuyên những đồ đạc lưu giữ lâu ngày ở nơi kín đáo, soi đèn phát hiện bọ xít (tắt hết bóng đèn điện, soi đèn pin vào các khe hở bàn ghế, khe giường, hốc tường…), dùng kẹp để bắt, diệt bọ xít. Nếu phát hiện ổ nhiều bọ xít có thể phun thuốc diệt côn trùng. Khi bị bọ xít đốt, cần hạn chế gãi và làm vệ sinh xung quanh vết đốt để hạn chế nhiễm ký sinh trùng.

PV: Xin cảm ơn TS về cuộc trao đổi này!

Mai Linh (thực hiện)

 

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]