Phòng tránh rôm, nhọt cho trẻ bằng cách nào?

Con tôi được 2 tuổi, mới đầu hè cháu đã mọc nhiều nhọt ở đầu, trán khiến cháu rất đau, khó chịu và không chịu ăn uống. Xin hỏi quý báo có cách nào phòng ngừa rôm, mụn nhọt cho trẻ không? Có phải dùng kháng sinh không?

0
Nguyễn Thị Thái Hà (Hải Phòng)
 
Da là hệ thống phòng vệ ban đầu rất quan trọng của cơ thể. Trên da luôn có tụ cầu và nhiều vi sinh vật khác trú ngụ. Bình thường, chúng không gây tác hại gì nhưng khi da bị sây sát hoặc cơ thể suy yếu chúng sẽ tấn công và gây mụn nhọt.
 
Ở trẻ em, mụn nhọt thường gặp ở những trẻ không được chú ý giữ gìn vệ sinh da sạch sẽ, gây ngứa ngáy khiến trẻ gãi nhiều làm da bị sây sát, ảnh hưởng đến lớp sừng, tạo điều kiện thuận lợi cho tụ cầu vàng chui sâu xuống các tổ chức ở dưới, phát triển và gây bệnh. Chúng chui vào các nang lông, gây viêm nang lông và tiết ngoại độc tố làm hoại tử các tế bào chung quanh nang lông, tạo thành ngòi của những nhọt đầu đinh. Mụn nhọt thường xuất hiện ở mặt, da đầu, cổ, nách và mông. Khi bị mụn nhọt, trẻ rất đau, nhức, sốt, biếng ăn, người bứt rứt. Nếu chữa trị và chăm sóc đúng cách, nhọt sẽ nhanh khỏi và không nguy hiểm, tuy nhiên, nếu không các tụ cầu vàng ở nhọt có thể theo đường máu gây nhiễm khuẩn huyết dẫn đến tử vong.
 
Để phòng tránh mụn nhọt cho trẻ, biện pháp tốt nhất là luôn để cơ thể trẻ được thoáng mát bằng cách cho trẻ ở những phòng rộng rãi, mặc quần áo vải mỏng, rộng, nhạt màu, không nên dùng loại vải nilông bí mồ hôi, thường xuyên tắm rửa cho trẻ để giữ da luôn sạch sẽ, không ăn các thức ăn quá ngọt và cần uống đủ nước.
 
Các bậc cha mẹ nên hướng dẫn trẻ chơi ở những nơi sạch sẽ, không bụi và cần cho trẻ uống nhiều nước trái cây và ăn rau xanh để tăng thêm sức đề kháng. Nếu phải sử dụng thuốc kháng sinh thì cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ.
Theo BS. Trịnh Văn Tùng
Sức khỏe và Đời sống
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]