Phòng tránh virus H7N9 bằng cách nào?

(Kiến Thức) - Hiện tại ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm virus H7N9, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm loại virus này là rất cao.

15.5748
Những ngày gần đây, thông tin về dịch cúm A/H7N9 đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người dân. Theo thông báo mới nhất, Trung Quốc đã có tổng cộng 21 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, trong đó đã có 7 trường hợp đã tử vong.

Đường lây nhiễm

Ban đầu, loại virus này được cho là lây nhiễm từ gia cầm sang người, tuy nhiên thông tin mới nhất từ các quan chức y tế Trung Quốc cho biết, chúng không xuất phát và có mầm mống từ Trung Quốc mà là từ các loài chim di cư từ nơi khác đến.
 Virus H7N9 lây lan từ gia cầm sang người. Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhóm virus A H7 thường chỉ lan truyền giữa các loài gia cầm. Virus H7N9 là một chủng loại trong nhóm này.

Một số virus H7 như H7N2, H7N3 và H7N7 trong một số trường hợp lây nhiễm sang người, nhưng từ trước đến nay chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm H7N9; mãi cho đến khi có tin về các bệnh nhân tại Trung Quốc.

Cũng theo các chuyên gia y tế, virus này hoàn toàn có khả năng lây nhiễm từ động vật (gia cầm) sang người (động vật có vú), vì theo các phân tích gen cho thấy, loại virus này đã tiến hóa từ những virus hoạt động trong gia cầm để thích nghi và phát triển trên cơ thể người. Những thích nghi này như khả năng kết hợp với tế bào và phát triển ở thân nhiệt bình thường của động vật có vú (thường thấp hơn loài gia cầm).

Hiện vẫn chưa rõ những cách thức lây nhiễm của chủng virus này. Giả thiết thuyết phục nhất là sự lây lan từ động vật sang người và phương án này đang được điều tra (cũng như khả năng truyền nhiễm từ người sang người).

Tuy nhiên cho đến thời điểm này, cả nguồn bệnh và phương thức truyền dẫn đều chưa xác định chắc chắn. Người dân nên tuân thủ những thói quen vệ sinh cơ bản để ngăn ngừa nhiễm trùng như vệ sinh tay và hệ hô hấp, thực hiện an toàn thực phẩm.

Hiện tại, virus cúm H7N9 không thể truyền nhiễm qua thực phẩm đã nấu chín. Vì nhiệt độ cao khi nấu thức ăn khiến virus không thể hoạt động. Do vậy việc tiêu thụ những loại thịt được chế biến và nấu chín, dù là gia cầm hay động vật, là một phương thức an toàn. Không nên ăn động vật bị bệnh hoặc chết vì mắc bệnh. Tại vùng đang có dịch vẫn có thể ăn thịt an toàn nếu chúng được chế biến kỹ và nấu chín. Ăn thịt sống hoặc huyết chưa qua nấu chín có thể gặp nguy cơ cao.
 Hiện tại chưa có vắc xin đặc trị loại virus này.

Triệu chứng

Hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm H7N9 bị viêm phổi nặng. Các triệu chứng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Tuy nhiên, thông tin triệu chứng bệnh mà virus H7N9 có thể gây ra vẫn còn hạn chế.

Hiện tại chưa có vắcxin nào đặc trị loại virus này. Tuy nhiên, từ một số trường hợp ban đầu mà WHO đã phân tích được đặc điểm của chúng.

Bước đầu tiên trong quá trình sản xuất vắcxin là lựa chọn virus mẫu có thể dùng làm vắcxin. WHO đang hợp tác với các đối tác để phân tích các đặc tính của H7N9 để tìm ra virus mẫu thích hợp nhất, nếu được, virus này sẽ được đưa vào sản xuất làm vắcxin.

Theo các xét nghiệm tại Trung Quốc cho thấy virus cúm H7N9 rất nhạy cảm với các loại thuốc chống cúm như chất ức chế neuraminidase (oseltamivir và zanamivir). Những loại thuốc này nếu được sử dụng trong giai đoạn đầu tiên của bệnh, khả năng kháng bệnh hiệu quả trên những virus cúm theo mùa hay H5N1. Tuy nhiên, thời điểm này chưa có ghi chép cụ thể về việc sử dụng loại thuốc trên cho việc chữa trị H7N9.

Ở Việt Nam, hiện tại chưa ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm virus H7N9 tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm loại virus này là rất cao. Vì thế Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra những khuyến cáo giúp người dân tránh nguy cơ lây nhiễm loại virus nguy hiểm này.

Khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm phòng tránh lây nhiễm virus H7N9:

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

- Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi, không vận chuyển, chế biến, sử dụng gia cầm ốm/chết/không rõ nguồn gốc.

- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính, với gia cầm ốm/chết. Khi phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.

- Tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế, ... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.

- Thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng.

- Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.

- Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như sốt, ho, đau họng, khó thở phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời.

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y địa phương trong giám sát dịch bệnh, chia sẻ thông tin và các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan từ gia cầm sang người.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]