Phòng và điều trị viêm gan B

Trên thế giới có hơn 1 tỷ người lớn và trẻ em nhiễm virus viêm gan B. Ở Mỹ cứ 20 người có một người bị nhiễm virus viêm gan B, ở Việt Nam con số này còn cao hơn - cứ khoảng 6-10 người thì có một người bị nhiễm loại virus này.

15.6611

Đọc E-paper

Cơ chế gây bệnh

>

Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. HBV có cơ chế lây truyền giống HIV, tuy nhiên khả năng lây nhiễm của HBV cao gấp 100 lần so với HIV, chủ yếu là lây qua đường tình dục, do sử dụng chung bơm kim tiêm, qua các vết xước trầy, truyền từ mẹ sang con.

Năm 1965, Blumberg và các cộng sự ở Philadelphia (Mỹ) đã tìm thấy một loại kháng thể ở bệnh nhân bị bệnh máu được truyền máu nhiều lần. Kháng thể này có thể phản ứng với một loại kháng nguyên trong mẫu huyết thanh của một thổ dân châu Úc nên được gọi là kháng nguyên Au. Sau đó kháng nguyên này lại được tìm thấy trong huyết thanh của những bệnh nhân bị viêm gan.

Ngày nay kháng nguyên Au được xác định chính là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B (HBsAg). Bệnh có thể biểu hiện viêm gan cấp tính với những thể nặng dẫn đến tử vong hoặc thể viêm gan mạn dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Tất cả những trường hợp mang HBsAg mạn tính có tổn thương gan nhẹ hay không có tổn thương gan thì nguy cơ bị ung thư tế bào gan (HCC) ở nhóm này cũng cao hơn nhóm HBsAg âm tính từ 15 - 100 lần. Những trường hợp viêm gan virus B có hiện tượng đột biến tiền nhân, tức là thay đổi axit amin ở vị trí 1896, nên không có khả năng sản xuất HBeAg, mặc dù vẫn có hiện tượng nhân lên của virus (HBV DNA cao).

Viêm gan virus B mạn được xác định là phản ứng viêm, hoại tử ở tế bào gan và bệnh diễn biến kéo dài trong thời gian trên 6 tháng. Mục đích của điều trị viêm gan virus B mạn là ức chế kéo dài sự nhân lên của HBV, cải thiện phản ứng viêm hoại tử gan với ALT bình thường trước khi dẫn đến xơ gan, HCC và chuyển đổi huyết thanh ở những bệnh nhân HBeAg (+).

Phòng ngừa và điều trị

Cách phòng ngừa tốt nhất nếu chưa bị nhiễm HBV là tiêm vacin viêm gan B, với mũi tiêm thông thường có khả năng bảo vệ trên 90% cho cả người lớn và trẻ em.

Hiện nay có nhiều loại thuốc điều trị viêm gan B mạn. Các thuốc này chia làm hai nhóm chính, có thể sử dụng điều trị riêng lẻ hay phối hợp. Các thuốc được gọi là điều hoà miễn dịch vì chúng tác động lên hệ thống miễn dịch của cơ thể đối với kháng nguyên của HBV trên bề mặt tế bào gan như Interferon (IFN)...

Nhóm thứ hai được gọi là các thuốc chống virus, thuốc này có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus, ngăn cản hiện tượng nhiễm virus lên các tế bào gan bình thường. Các thuốc này không có ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thống điều hoà miễn dịch mà chỉ có ảnh hưởng gián tiếp.

IFN alfa bắt đầu được sử dụng điều trị viêm gan B mạn từ đầu thập niên 1970, từ đó IFN trở thành phương thức điều trị chủ yếu của viêm gan virus B mạn và năm 1992 IFN alfa-2b đã được Hiệp hội Thuốc và Dược phẩm (FDA) Mỹ chấp thuận trên thế giới.

Tuy nhiên có khoảng trên 60% bệnh nhân viêm gan B mạn không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị IFN, việc điều trị lần 2 cho nhóm bệnh nhân này thường ít tác dụng. Mặt khác IFN lại có rất nhiều tác dụng phụ buộc các thầy thuốc phải ngừng điều trị.

Sự ra đời của các thuốc nucleoside và tương đồng nucleoside như lamivudine, adefovir dipivoxil... đã mở ra hướng điều trị mới. Tuy nhiên muốn đảm bảo thải trừ được hoàn toàn virus cần phải kéo dài thời gian điều trị, và chính vì thời gian điều trị lâu dài này làm phát sinh các chủng kháng thuốc.

Trên thị trường hiện nay có 4 thuốc kháng virus loại nucleotit và các chất tương đồng nucleotit là lamivudin, adefovir, entecavir và telbivudine, là những thuốc hàng đầu điều trị viêm gan virus B mạn.

Ngoài ra còn có một số thuốc kháng virus khác cũng đang được nghiên cứu và đưa vào sử dụng là tenofovir, clevudine và emtricitabine. Kết quả của điều trị thuốc kháng virus làm giảm nồng độ viruts ALT trở về bình thường, chuyển đảo huyết thanh và cải thiện mô học gan.

Để tránh hiện tượng kháng thuốc trong điều trị viêm gan B mạn, người bệnh cần được thầy thuốc theo dõi thường xuyên.

Thực phẩm tốt cho gan

Thực phẩm chứa vitamin B, C và E

Vitamin C và E đóng vai trò như chất chống oxy hóa, loại trừ các gốc tự do để phòng bệnh và giữ sạch gan. Vitamin C được tìm thấy nhiều trong cà chua, đu đủ, cam, khế, bông cải, ớt, cải brussel.

Táo là loại quả không chỉ chứa vitamin C mà còn có axít d-glucaric giúp loại bỏ lượng chất béo dư thừa ra khỏi gan. Khi chất béo tích tụ trong gan, nó làm chậm chức năng gan.

Chanh với hàm lượng vitamin C cao là một trong những loại thực phẩm làm sạch gan tốt nhất.

Bưởi hoặc nước ép bưởi giúp kích thích gan tiết ra loại enzyme có tác dụng đào thải chất độc carcinogen và độc tố trong gan ra bên ngoài.

Các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin E là hạnh nhân, mầm lúa mì, bơ, măng tây, cà chua...

Vitamin B giúp thúc đẩy hoạt động của gan, nhất là vitamin B12 giúp gan chuyển hóa chất béo cũng như cải thiện chức năng cho gan. Vitamin B có nhiều trong cá, trứng, sữa, gan động vật, bông cải xanh, rau bina, gạo lứt.

Thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ vốn có tác dụng thúc đẩy quá trình tiêu hóa, tẩy trừ chất độc, do vậy gan sẽ được "hưởng lợi" từ quá trình làm sạch bộ máy tiêu hóa này. Các loại rau xanh, đậu, ngũ cốc nguyên cám, bánh mì... được khuyến khích dùng đối với người bị bệnh gan.

Thực phẩm giàu beta carotene

Beta-caroten - tiền tố của vitamin A là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ gan chống lại các chứng bệnh như xơ gan, gan nhiễm mỡ; ngoài ra nó còn đóng vai trò hiệu quả trong việc loại bỏ các gốc tự do trên gan.

Cà rốt nằm trong đầu danh sách các thực phẩm có nhiều chất beta-carotene.

Selenium và glutathione có trong tỏi cũng là những chất chống oxy hóa mạnh. Tỏi cũng chứa một lượng cao allicin và selen, có tác dụng làm sạch trong gan, thận.

Thực phẩm giúp tái sinh gan

Magie và sắt là hai dưỡng chất cần thiết cho quá trình tái sinh gan. Cải xoăn là loại rau lá xanh có chứa hàm lượng cao ma giê và chất sắt cao.

Probiotic - chất lợi khuẩn có nhiều trong sữa chua cũng là chất giúp tái tạo gan.

Sulphur (lưu huỳnh) có tác dụng giúp gan đối phó với các tổn hại do gốc tự do gây ra đồng thời kích thích sự tăng trưởng của tế bào gan mới. Chất này được tìm thấy nhiều trong tỏi và hành.

Các thực phẩm giàu axít béo Omega-3 như cá hồi, cá mòi, cá ngừ và cá thu cũng rất hữu ích đối với gan.

Một trong những phương pháp làm sạch gan quan trọng nhất là uống nhiều nước. Bạn không nhất thiết phải dùng tất cả các loại thực phẩm trên mỗi ngày, điều cần lưu ý là hãy chọn những thứ còn tươi mới.

 

BS. BẠCH LONG
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]