Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ dễ mắc bệnh lao

Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, cùng với sự thay đổi nội tiết, việc mang thai, nuôi con cũng khiến phụ nữ chịu nhiều áp lực, sức khỏe giảm sút, các hàng rào ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, virút bị phá vỡ khiến chị em dễ nhiễm bệnh lao.

15.6032

 

Nếu thai phụ mắc bệnh lao trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, em bé sau khi chào đời rất dễ lây bệnh, thậm chí có thể lây bệnh từ mẹ ngay từ khi còn là bào thai (lao bẩm sinh) rất khó khăn trong việc điều trị.


Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu như: Ho kéo dài trên 2 tuần, đau ngực, cơ thể mệt mỏi và yếu ớt, mất cảm giác thèm ăn và giảm cân, ra mồ hôi trộm ban đêm dù trời rất lạnh, ho ra máu... thì các thai phụ phải đi khám ngay tại các cơ sở chuyên khoa. Các xét nghiệm lao thường an toàn với thai kỳ nếu quy trình kỹ thuật được đảm bảo. Nếu mang thai giai đoạn đầu, bạn cần thông báo với bác sĩ điều trị để đảm bảo các kỹ thuật an toàn tuyệt đối cho thai nhi.


Nếu bị nhiễm lao, thai phụ cần uống thuốc điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần chú trọng duy trì chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi thích hợp.


“Sau khi sinh con, nếu mẹ vẫn còn vi trùng lao trong đờm thì nhất định phải cách ly con, khi cho con bú, chăm sóc con phải mang khẩu trang (thuốc điều trị lao không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ). Nếu đứa trẻ cũng nhiễm bệnh thì cần được điều trị ngay”, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ nhấn mạnh.


Bệnh lao là một trong ba bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất trên thế giới (HIV/AIDS, lao và sốt rét). Vi khuẩn gây bệnh lao lan truyền qua các giọt nước trong không khí từ chất tiết khi ho, nhầy mũi, nói chuyện hay khạc nhổ của người nhiễm vi khuẩn.


Phương Liên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]