Đến thăm dinh thự Vua Mèo ở xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn), không ai là không biết đến cửa hàng bán đồ lưu niệm tọa lạc ngay cổng vào của chị Sùng Thị Dính. Luôn nườm nượp khách ra vào cả khách tây và ta, cửa hàng của chị luôn đông khách du lịch với các sản phẩm mang đậm văn hóa bản sắc địa phương như khăn thổ cẩm, váy Mông… Từ hai bàn tay trắng, chị Sùng Thị Dính chỉ dựng một gian hàng tạm trước nhà Vương để bán thuốc Nam do nhà chị tự bào chế. Thế nhưng, thay vì tập trung vào các loại thuốc bày bán, du khách chỉ để ý đến trang phục của chị, chiếc váy chị mặc, chiếc khăn chị quàng rồi hỏi han xem chị mua ở đâu. Và thế là ý tưởng bán váy Mông do mình tự may lấy được hình thành. “Một bộ trang phục Mông làm tay phải mất vài ba tháng, thậm chí cả năm, nghĩ thế, tôi mạnh dạn vay tiền ngân hàng mua một cái máy khâu, tự học cắt, học may. Hai tháng sau thì may được sản phẩm, bày ra bao nhiêu đều bán hết. Mỗi tháng kiếm lợi nhuận được 7 - 8 triệu đồng từ tiền hàng và tậu được 5 máy may” - chị Sùng Thị Dính chia sẻ. Giờ thì không chỉ có của để dành, chị còn làm được hai căn nhà, tạo công việc cho nhiều chị em trong thôn.

Nếu như chị Sùng Thị Dính làm giàu từ các sản phẩm may mặc thì chị Vương Thị Chở làm du lịch nức tiếng du khách với nghề hướng dẫn viên ngay tại dinh thự Vua Mèo này. Được chính quyền hỗ trợ tạo điều kiện cho đi học về du lịch, đặc biệt được huyện hỗ trợ 100% kinh phí đi học lớp tập huấn về hướng dẫn viên du lịch, chị Chở trở thành hướng dẫn viên được nhiều du khách yêu thích khi đến nơi đây. Chị Chở chia sẻ: “Đi học về rồi mình mới có khả năng hiểu biết một chút về văn hóa du lịch như thế nào, mình ở nhà thì chả biết cái gì cả. Tuy vất vả hơn một chút nhưng mình thấy phấn khởi vì Đồng Văn mình đã thu hút khách rất là đông, đấy là một niềm vinh dự rất lớn đối với huyện Đồng Văn”.

Nhờ sự nhanh nhạy, phát huy lợi thế bản sắc địa phương, nhiều phụ nữ Mông khác ở Đồng Văn đã biết cách khai thác để làm kinh tế từ phát triển du lịch. Ngoài việc bán thổ cẩm, làm hướng dẫn viên, nhiều chị em tại đây đã mở dịch vụ cho thuê ruộng tam giác mạch để du khách chụp ảnh khi vào mùa, tận dụng hạt tam giác mạch để làm bánh, bán và giới thiệu với du khách… Họ đang khẳng định sự năng động của mình, thoát ra khỏi suy nghĩ vốn đã đi vào lối mòn rằng phụ nữ thiểu số chỉ biết lên nương, làm rẫy và phục vụ chồng con.