Phụ nữ thấp còi có nguy cơ cao sinh con suy dinh dưỡng bào thai

SKĐS - Tại Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về chủ đề dinh dưỡng dự phòng cho vị thành niên và thanh niên.

15.5972

Ngày 18/6, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về chủ đề dinh dưỡng dự phòng cho vị thành niên và thanh niên.

Mức đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đối với trẻ vị thành niên Việt Nam đáng lo ngại

Theo TS. Phạm Thị Thúy Hòa, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng, nhiều người thường nghĩ chiều cao phụ thuộc phần lớn vào yếu tố di truyền. Tuy nhiên trong thực tế và một số công trình nghiên cứu đã cho thấy chiều cao chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, mạnh nhất là dinh dưỡng chiếm 32% (trong đó trẻ dưới 5 tuổi chiều cao được quyết định bởi yếu tố dinh dưỡng là chủ yếu), sau đó đến yếu tố di truyền 23%, thể dục thể thao 20%, và các yếu tố khác như: giấc ngủ, môi trường, tình hình bệnh tât…

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình Xã hội, Hội LHPNVN phát biểu tại Hội thảo.

Có ba giai đoạn cơ thể tăng trưởng rất nhanh về chiều cao và có tính chất quyết định đối với chiều cao của một người, đó là giai đoạn trong bào thai, từ sơ sinh đến 3 tuổi và giai đoạn tiền vị thành niên (6 – 9 tuổi) vị thành niên (dậy thì từ 10 – 19 tuổi).

Trong các chương trình can thiệp dinh dưỡng ở Việt Nam, hiện nay mới tập trung ưu tiên cho hai đối tượng là bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà dinh dưỡng đã quan tâm đến trẻ vị thành niên, chế độ can thiệp dinh dưỡng trong giai đoạn trẻ vị thành niên hết sức quan trọng. Cũng theo TS Hòa, giai đoạn dậy thì là giai đoạn cơ thể tăng tốc phát triển các kích thước của khối xương và một số cơ quan nội tặng. Trẻ gái từ 10 tuổi, trẻ trai từ 12 tuổi trở đi có thể có 1 – 2 năm tăng vọt về chiều cao 8 – 12cm/năm nếu được chăm sóc dinh dưỡng tốt và chơi thể thao thường xuyên. Sau tuổi vị thành niên sự tăng trưởng về chiều cao vẫn có thể duy trì đến 22 – 25 tuổi nhưng chậm, chỉ khoảng 1 – 1,5cm/năm.

Như vậy lứa tuổi vị thành niên là giai đoạn quan trọng cuối cùng về sự phát triển thể chất, trước khi trẻ đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên tại Việt Nam mức đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đối với trẻ vị thành niên là đáng lo ngại. Chẳng hạn trong khi mức đáp ứng nhu cầu năng lượng chung ở trẻ vị thành niên chỉ đạt hơn 60% nhưng mức đáp ứng protein ở lứa tuổi 13 – 19 là khoảng 105%.

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng VDD quốc gia, với mức tiêu thụ protein và năng lượng như vậy thì đây là vấn đề của dinh dưỡng không hợp lý. Năng lượng thiếu, protein thừa sẽ làm đào thai can xi qua nước tiểu, ảnh hưởng đến quá trình tạo xương. Nói dễ hiểu hơn thì những protein trong trường hợp này không giúp tạo cấu trúc cơ thể mà lượng dư thừa sẽ quay lại làm tiêu hao năng lượng.

PGS.TS Lê Bạch Mai phát biểu tại Hội thảo.

Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cho thấy, ở nông thôn, tỷ lệ gầy của học sinh 10 -17 tuổi chiếm đến 35,8%, tương ứng với tỷ lệ này ở thành phố là 13,9%... Cũng theo PGS.TS Mai: Những nữ vị thành niên thấp còi sẽ có nguy cơ phát triển thành những phụ nữ thấp bé nhẹ cân và hậu quả là sinh ra những trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai. Những trẻ có cân nặng sơ sinh thấp lại có nguy cơ suy dinh dưỡng.

Vai trò của vi chất dinh dưỡng với phát triển chiều cao

Khi bổ sung vi chất dinh dưỡng để phát triển chiều cao, nhiều người chỉ quan tâm đến can xi va vitamin D. Họ ít quan tâm đến vai trò cũng quan trọng không kém của các vi chất khác. Vitamin A, nhiều người nghĩ đến đầu tiên là tác dụng lên mắt, nhưng vitamin A cũng đặc biệt cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ. Vitamin A tác động nhiều đến quá trình phát trển xương đùi, cẳng chân, cánh tay, cẳng tay. Ngoài ra vitamin A có tác dụng miễn dịch như tạo máu, sinh sản, chống ung thư, lão hóa…

Sắt cũng là nguyên liệu tạo hồng cầu vận chuyển ô xy nuôi cơ thể, tham gia tạo kháng thể, tăng trưởng chiều cao và kích thích ăn ngon miệng. Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu gây chậm tăng trưởng…

Hiện nay 68% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ bị thiếu kẽm.k Kẽm cung là vi chất quan trọng cân thiết cho nhiều hoạt động chuyển hóa của cơ thể, đồng hóa protein, phân chia tế bào, thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc tái tạo nội tiết tố tăng trưởng, sinh sản và tham gia tạo kháng thể.

Vtamin E, ngoài tác dụng chống ô xy hóa, chống lão hóa, bảo vệ mắt và hệ cơ xương, còn có tác dụng nhiều mặt đối với quá trình sinh sản, tăng sản xất tinh trùng… Hiện nay có nhiều quảng cáo vitamin E có tác dụng trẻ đẹp, không ít người đã tăng cường bổ sung vi chất này. Nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng khi bổ sung vitamin E cần có tư vấn của thầy thuốc, tránh dùng quá liều gây ngộ độc…

Các vi chất dinh dưỡng có mặt trong hầu hết các nhóm thực phẩm.

Tất cả các vi chất dinh dưỡng quan trọng trên đều có mặt trong hầu hết các nhóm thực phẩm. Bởi vậy, một chế độ ăn cân đối và đa dạng các nguồn thực phẩm kết hợp với chế độ luyên tập thể dục hợp lý sẽ giúp kích thích tăng trưởng đạt chiều cao tiềm năng khi đến tuổi trưởng thành.

Minh Thư

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]